Vì lợi ích cộng đồng

Ngoài việc đầu tư cho ngành xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS – Mỹ) và Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS), luôn gắn các hoạt động của công ty với lợi ích cộng đồng tại Việt Nam
Ông David Dương cho biết cả hai công ty CWS (Mỹ) và VWS (Việt Nam) không chỉ làm tốt việc thu gom và xử lý rác mà luôn đi đầu trong việc đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Ông tự tin là công ty hiện có thể xử lý tất cả các loại chất thải từ rác sinh hoạt cho tới rác độc hại. Để làm được điều này, rác từ các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình phải được phân loại tại nguồn cho việc xử lý tuyệt đối từng loại rác.

Kinh nghiệm từ Mỹ

Ở Mỹ, mỗi hộ gia đình đều có 3 thùng rác dành cho mỗi loại rác khác nhau. Thùng màu xám đựng các loại rác có chất liệu bằng giấy, kim loại, ni lông, nhựa, thủy tinh và những loại có thể tái chế; thùng màu đen đựng rác thực phẩm nhà bếp; thùng màu xanh chứa rác làm vườn (cành, lá cây, cỏ). Để làm được điều này, người ta đã phải mất nhiều năm tuyên truyền, vận động người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.

Ông David Dương trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân

Ông David Dương (bìa phải) cùng với người dân huyện Bình Chánh, TP HCM tham gia làm sạch môi trường

Ngay cả doanh nghiệp thu gom và xử lý rác như CWS hằng năm đều dành kinh phí cho công tác tuyên truyền để cuộc vận động này diễn ra thường xuyên và liên tục. Chẳng hạn, mỗi hóa đơn tiền rác gửi đến khách hàng hộ gia đình, CWS đều gửi kèm tờ hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, CWS còn dành nguồn kinh phí tuyên truyền trên báo in và truyền hình, qua các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia của CWS với người dân về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn và tái chế từ rác… CWS cũng thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan dành cho các em từ mẫu giáo đến trung học tại khu xử lý rác để giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường thông qua những việc làm cụ thể.

Tại Mỹ, 70% lượng rác thải có thể tái chế, 15% là rác hữu cơ dùng làm phân vi sinh, còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh. Do lượng rác tái chế khổng lồ như vậy nên ngành tái chế từ rác mỗi năm đem lại cho nước Mỹ doanh số hơn 90 tỉ USD và tạo việc làm cho khoảng 460.000 người. Việc phân loại rác tại nguồn đã đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và người dân, giúp cho ngành tái chế của Mỹ đạt được những con số phấn khởi nêu trên.

Luôn hướng đến cộng đồng

Sau nhiều năm thành công trên đất Mỹ, ông David Dương quyết định trở về Việt Nam đầu tư, cũng là theo tâm nguyện của cha mẹ ông. Ngoài việc đầu tư cho ngành xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường cho đất nước, ông David Dương luôn gắn các hoạt động của công ty với lợi ích cộng đồng tại Việt Nam thông qua nhiều chương trình hoạt động. Kể từ ngày thành lập năm 2005 đến nay, VWS đã dành hơn 30 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương do ông sáng lập đã giúp cho hàng trăm hộ dân là những cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên thanh niên tại tỉnh Long An có vốn sản xuất, tạo thu nhập ổn định và nhờ đó giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Ông còn xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn ở nhiều tỉnh, thành; tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học ở các xã của huyện Bình Chánh, TP HCM. Ngoài ra, ông còn tặng thư viện, máy vi tính cho trường học ở huyện Bình Chánh và Long An. VWS cũng thường xuyên tài trợ kinh phí và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương huyện Bình Chánh tổ chức nhiều đợt ra quân làm sạch môi trường, góp phần giáo dục người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh ở các khu dân cư, bảo vệ nguồn nước, đẩy lùi dịch bệnh. Đó thực sự là những hoạt động thiết thực, đầy ý nghĩa của VWS và cũng là dịp thể hiện tấm lòng của ông David Dương đối với quê hương.

Tạo cầu nối cho sinh viên Việt Nam

Điều mà ông luôn suy nghĩ, trăn trở là làm sao tạo được cầu nối đưa thật nhiều sinh viên ưu tú của Việt Nam sang học tập tại Mỹ với nhiều ngành nghề mà đất nước đang cần, thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) – cơ quan độc lập của Chính phủ Liên bang Mỹ, mà ông được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm là ủy viên .

Không chỉ ở Việt Nam mà tại Mỹ, những dự án của CWS đầu tư ở 2 thành phố San Jose và Oakland luôn ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân địa phương sống gần dự án và đặc biệt là ưu tiên giải quyết việc làm cho Việt kiều tại Mỹ. Người lao động của CWS, đặc biệt là người lao động gốc Việt, đều là thành viên của tổ chức Công đoàn, được hưởng nhiều chế độ khi ốm đau, bệnh tật và hưu trí… Hằng năm, vào dịp hè, công ty nhận hàng trăm học sinh, sinh viên ở 2 thành phố San Jose và Oakland vào làm việc. Mùa đông đến, công ty cung cấp miễn phí thực phẩm cho người nghèo và người vô gia cư. Ngoài ra, CWS còn tài trợ chương trình dạy và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng; hỗ trợ nhiều hoạt động cho cộng đồng trong những ngày Tết cổ truyền, Tết Trung thu… Ông tâm niệm: “Chúng tôi không chỉ thu lợi nhuận từ kinh doanh mà luôn nghĩ đến việc làm kinh doanh phải hướng tới lợi ích cộng đồng” và điều này đã được minh chứng trong việc cộng đồng người Việt Nam tại thành phố San Jose (California – Mỹ) đã ủng hộ ông trúng thầu ngoạn mục vào năm 2007.

CWS xếp thứ 37 về xử lý chất thải của Mỹ

CWS được tạp chí uy tín Waste Age bình chọn xếp thứ 37/100 công ty hàng đầu ngành xử lý chất thải của Mỹ, với 6 cơ sở thu gom và xử lý chất thải rắn cho 10 thành phố ở Mỹ, 2 văn phòng đại diện tại Trung Quốc, 1 công ty liên doanh với Philippines. Gần đây, ông David Dương đấu thầu đầu tư một dự án xử lý chất thải rắn tại Mỹ, trị giá 1,6 tỉ USD cho hợp đồng 20 năm. Đây là dự án mà công ty ông đang cạnh tranh rất khốc liệt với tập đoàn hàng đầu của Mỹ về xử lý chất thải. David Dương đang rất tự tin với dự án này vì ông được người dân và chính quyền nước sở tại ủng hộ bởi những gì ông đã và đang làm rất tốt, rất chuyên nghiệp và không chỉ vì lợi nhuận mà còn luôn hướng mục đích phục vụ cộng đồng.

Bài và ảnh: HỒNG THÚY

Share
Translate »
Facebook