(TN&MT) – Chiều ngày 2/12/2016, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Lãnh đạo TP.HCM đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), để nghe VWS báo cáo đề xuất các giải pháp, công nghệ mới cho việc xử lý chất thải.
Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo nhiều Sở, ngành chức năng của TP.HCM như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch – Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế Thành phố, UBND huyện Bình Chánh, BQL các Khu liên hợp xử lý chất thải.
Hiện nay, Công ty VWS và Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam – Long An đang đầu tư, xây dựng và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh, TP.HCM và đang đầu tư, xây dựng Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Sẽ sớm triển khai công nghệ đốt rác phát điện, giảm chôn lấp
Báo cáo tại buổi làm việc với Lãnh đạo TP.HCM chiều ngày 2/12/2016, ông David Dương – Tồng Giám đốc VWS cho biết: Thực hiện Công văn số 5360/UBND–ĐT ngày 28/09/2016 của UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, VWS đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tốt hơn việc kiểm soát mùi tại 2 địa điểm theo đề nghị của Thành phố là khu vực đang tiếp nhận rác và hồ chứa nước rỉ rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Song song với việc này, vì VWS muốn làm tốt hơn nữa nên đã mời 03 đoàn chuyên gia độc lập của Hoa Kỳ sang Việt Nam thực hiện khảo sát, nghiên cứu các vấn đề sau:
Đoàn chuyên gia thứ nhất: Làm việc tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để kiểm tra và đánh giá tất cả các thiết bị và công thức thực hiện khử mùi tại dự án này… VWS nhận thức rằng, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sẽ không còn tiếp nhận rác chôn lấp tại đây sau khi đạt tổng khối lượng tiếp nhận theo thiết kế và theo quyết định của Thành phố, sẽ đóng cửa tất cả các khu xử lý rác của Thành phố sau năm 2020, nên việc trồng các loại cây xanh cách ly có chức năng giảm thiểu việc phát tán mùi hôi sẽ không kịp thời gian cho sự phát triển của cây trồng.
Đoàn chuyên gia thứ hai: Tiến hành khảo sát tuyến đường đi và hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải của các xe tải chở rác, vị trí các trạm trung chuyển, qua đó đánh giá và có ý kiến đóng góp về các điểm hạn chế cần cải thiện, nâng cấp của các phương tiện vận chuyển rác nếu cần thiết.
Đoàn chuyên gia thứ ba: Khảo sát thực địa và tình hình hoạt động tại khu vực dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để tiến hành chọn địa điểm trong khu vực dự án và qua đó kiến nghị Thành phố cho phép VWS được đầu tư theo yêu cầu của Thành phố là thay đổi một phần công nghệ để giảm bớt phần rác chôn lấp; lắp đặt thêm một công nghệ đốt rác, sản xuất điện năng từ khí bãi chôn lấp và sản xuất nhiên liệu khí nén thiên nhiên (Compressed Natural Gas – CNG) phục vụ cho các phương tiện vận chuyển rác không xả khói gây ô nhiễm môi trường, sản xuất phân compost.
Ông David Dương cho hay: Với đề xuất nêu trên, VWS dự kiến sẽ xử lý rác hỗn hợp (nhiều tạp chất và chưa qua phân loại) để đốt, sản xuất các sản phẩm với công suất 1.000 – 1.500 tấn/ngày. Phần chôn lấp sau khi được xử lý bằng công nghệ này chỉ còn khoảng 5%. Đồng thời, các chuyên gia sẽ thiết kế khu vực dự kiến xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước về Khu công nghệ môi trường xanh – Long An bằng xà lan khép kín chuyên dụng để xử lý sau năm 2020.
Cùng với đó, VWS cũng sẽ thiết kế toàn bộ lại khu vực các ô chôn lấp rác trong dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước hiện nay trở thành một khu thể thao phức hợp bao gồm: Sân tập golf, sân quần vợt, sân banh, công viên sinh thái, hồ bơi… nhằm nâng cao giá trị khu vực và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân TP.HCM theo dự kiến ban đầu của dự án sau năm 2020.
Đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghệ môi trường xanh – Long An
Đối với dự án Khu công nghệ môi trường xanh – Long An, ông David Dương cũng đã có báo cáo kế hoạch cụ thể với Lãnh đạo TP.HCM như sau: Từ đây đến năm 2020 chỉ còn 4 năm nữa và thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Trong khi đó, để công tác đầu tư, xây dựng, tiếp nhận và xử lý chất thải tại Khu công nghệ môi trường xanh – Long An đạt hiệu quả tốt, không gây trở ngại và chậm trế tiến độ.
Đồng thời, để bảo đảm cho một dự án lớn được đầu tư quy mô về mặt tài chính và công nghệ cũng như việc vận chuyển rác bằng xà lan khép kín sẽ bảo đảm an toàn giao thông và bảo đảm được giá thành vận chuyển rẻ. VWS sẽ làm việc ngay với các cơ quan chức năng của TP.HCM để trình bày công nghệ mới về xử lý rác và bàn bạc các địa điểm được chọn để xây dựng trạm trung chuyển bằng xà lan, lựa chọn và thiết kế các loại xà lan và loại thùng chứa rác khép kín (container chuyên dụng) phù hợp, các trạm trung chuyển này cũng phải được thiết kế ngay từ bây giờ.
VWS cũng đề nghị Lãnh đạo TP.HCM cho biết ý kiến của Thành phố trong việc quyết định chủ trương giao số lượng rác cụ thể cho Khu công nghệ môi trường xanh Long An xử lý. Qua đó, có thế tính toán, thống nhất với Thành phố lựa chọn công nghệ phù hợp và giá cả hợp lý, tổng mức đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn tiếp theo.
Ông David Dương cho biết thêm: Hiện nay, VWS đã hoàn tất công trình “Cầu và đường vào VWS1” và đang khẩn trương tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng, đường vào cầu, hệ thống cấp điện, cấp nước nội bộ và xây dựng thêm “Cầu và đường vào VWS2” để sẵn sàng lắp đặt các thiết bị và nhà máy xử lý rác, sản xuất các sản phẩm vào năm 2020.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố chấp thuận chủ trương về mặt ý tưởng thay đổi công nghệ của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Chủ đầu tư là VWS phải có thuyết minh, giải trình rõ ràng, cụ thể nội dung công nghệ, công suất xử lý, phân kỳ đầu tư, giá thành xử lý; sau đó trình lại UBND TP.HCM và các Sở, ngành chức năng để Thành phố xem xét, thương lượng. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Chủ đầu tư cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Trao đổi với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sau buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và các Sở, ngành chức năng của Thành phố, ông David Dương – Tổng Giám đốc VWS cho biết: Công ty sẽ thực hiện ngay các yêu cầu của Lãnh đạo Thành phố. Ngay sau khi được Thành phố chấp thuận chủ trương, VWS sẽ triển khai đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý rác hỗn hợp với công suất 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để đốt, sản xuất các sản phẩm với tỷ lệ chôn lấp chỉ còn khoảng 5%. Nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong vòng 16 tháng. Công nghệ được áp dụng tại Nhà máy này cũng sẽ được áp dụng tại Khu công nghệ môi trường xanh – Long An.
Ưu đãi đầu tư Dự án Khu công nghệ môi trường xanh – Long An
Ngày 2/12/2016, Văn phòng Chính phủ cho biết đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ưu đãi đầu tư lĩnh vực xã hội hóa dự án có vốn đầu tư nước ngoài đối với Dự án Khu công nghệ môi trường xanh của Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam – Long An. Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn là lĩnh vực khuyến khích, thu hút đầu tư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tỉnh Long An đã chủ động kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư Dự án nhằm đáp ứng không chỉ nhu cầu của tỉnh Long An mà còn của Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An, nhà đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xác định rõ Quy hoạch phân khu chức năng toàn bộ diện tích của Dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời phân loại tiểu dự án thuộc Dự án để bảo đảm áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng; làm rõ nhu cầu xử lý rác thải của tỉnh Long An, khu vực và cả vùng bảo đảm công nghệ và công suất Dự án phù hợp. Trên cơ sở các nội dung được làm rõ nêu trên và ý kiến các cơ quan liên quan, UBND tỉnh Long An hoàn thiện báo cáo Dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2016. |
Tường Tú (tổng hợp)