TP. Hồ Chí Minh: Xử lý tốt rác thải đô thị để phát triển bền vững

Xử lý rác tập trung để hạn chế ô nhiễm

Xuất phát từ thực tế trên, UBND TP.Hồ Chí Minh đã quy hoạch nhiều khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại các địa điểm phù hợp để có thể tiếp nhận nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, được quy hoạch thành Khu liên hợp xử lý rác và nghĩa trang có diện tích 258 ha. Trong đó có 200 ha dành cho hoạt động xử lý rác do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư, với công suất tiếp nhận 3.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

Theo đánh giá của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, khu xử lý rác của VWS chính thức tiếp nhận rác từ ngày đầu tháng 11/2007 với công suất ban đầu là 750 tấn/ngày đêm. Đến cuối tháng 11/2007, công suất tiếp nhận của khu xử lý rác Đa Phước đã xấp xỉ 3.000 tấn/ngày đêm. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành việc xây dựng các hạng mục kỹ thuật và tiếp nhận khoảng 50% lượng rác thải sinh hoạt của TP.Hồ Chí Minh.

Căn cứ hợp đồng kinh tế của dự án này thì công tác xây dựng hạ tầng cơ sở đều do chủ đầu tư thực hiện trên vùng đất đầm lầy ngập mặn. Chủ đầu tư phải đầu tư kinh phí để gia cố móng, đầm, nén, lót lớp màng chống thấm… để nước rỉ rác không thấm xuống đất, rồi đặt hệ thống thu gom nước rỉ rác, khí thải… Công nghệ xử lý rác được VWS sử dụng không chỉ chôn lấp rác kiểu truyền thống mà còn làm phân compost, tái chế nhựa, thu khí để chạy máy phát điện.

Trong điều kiện thời tiết mùa mưa 2010, việc đảm bảo vệ sinh môi trường khi xử lý lượng rác thải chưa được phân loại tại nguồn lên đến hơn 3.000 tấn/ngày đêm là điều được VWS chú ý thực hiện. Nói về điều này, bà Phạm Thị Thúy Nga, Giám đốc đối ngoại của VWS cho biết: Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 636.000 tấn rác được xử lý đúng quy trình tại các ô chôn lấp của VWS tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Để đảm bảo vệ sinh cho hàng trăm xe ép rác ra vào trong mùa mưa, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp đường dẫn và sàn trung chuyển rác. Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi của rác tươi trong điều kiện ngày nắng đêm mưa, các chuyên gia của VWS cũng tăng cường phun xịt chất phụ gia khử mùi để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường. Nhằm hạn chế ruồi phát sinh từ bãi rác, chủ đầu tư cũng phun thuốc diệt côn trùng với liều lượng phù hợp tùy theo điều kiện thời tiết cục bộ do trạm khí tượng tại chỗ cung cấp.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường khu xử lý rác của VWS cho thấy, để tránh nước mưa thấm vào các ô chôn rác, phần lớn diện tích bãi chôn lấp đã được phủ tấm nhựa chuyên dụng HDPE chống thấm. Ngoài ra một hệ thống bơm dự phòng luôn túc trực và sẵn sàng hoạt động nếu có xảy ra hiện tượng ngập nước tại bãi chôn lấp.

Quản chặt nguồn thải phân hầm cầu

Đi cùng quá trình đô thị hóa, mỗi ngày tại TP.Hồ Chí Minh có khoảng gần 250 tấn phân hầm cầu là nguồn thải của hơn 8 triệu dân cần được xử lý đúng quy trình vì đây là nguồn chất thải chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Trước đây các xe hút phân hầm cầu thường xả trộm xuống các khu vực vùng ven hoặc bán cho chủ các ruộng trồng rau muống tại ngoại thành. Để quản lý và xử lý đúng quy trình “nguồn thải nhạy cảm” này, UBND TP.Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty Môi trường đô thị phối hợp cùng Công ty TNHH Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình đảm trách việc hút, vận chuyển phân hầm cầu đến khu xử lý tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Từ tháng 3/2008, nhà máy xử lý phân hầm cầu có công suất 500m³/ngày đã chính thức tiếp nhận nguồn thải từ hơn 200 xe hút hầm cầu trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số lượng phân hầm cầu mà các xe chuyển đến nhà máy lại chỉ khoảng 120m³/ngày. Lượng chất thải hầm cầu còn lại vẫn được xả trộm xuống các khu vực đồng trống, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh.

Để khắc phục điều này, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND 24 quận, huyện áp dụng biện pháp quản lý mới là gắn hệ thống định vị toàn cầu GPS cho tất cả các xe hút phân hầm cầu để đảm bảo các xe này “đi đến nơi về đến chốn”.

Khẳng định về hiệu quả của cách làm mới này với mục tiêu đưa toàn bộ lượng phân hầm cầu về xử lý hợp vệ sinh tại xã Đa Phước, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh đầu tư hơn 2 tỉ đồng để trang bị thiết bị định vị toàn cầu cho toàn bộ các xe hút phân hầm cầu. Khi làm được như vậy thì Sở TN&MT sẽ nắm được đi của các xe chở chất thải và tránh được hiện tượng xả trộm phân hầm cầu ra môi trường. Mỗi xe được niêm chì sau khi hút phân xong và phải vận chuyển về địa điểm xử lý tập trung tại Đa Phước thì mới được tháo niêm phong chì.

(Lê Hải-Monre)

Share
Translate »