Chỉ vì xe rác 1 ngăn

Chỉ vì thiếu những chiếc xe chở rác 2 ngăn mà chương trình phân loại rác tại nguồn (PLR) được TP.HCM thí điểm triển khai 5 năm trước đã phá sản.

Chết yểu

Năm 2006, Q.6 là địa phương đầu tiên được UBND TP.HCM chọn thí điểm thực hiện chương trình PLR tại nguồn. Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn chưa mang lại kết quả nào ngoài việc nhiều người dân nhận biết thế nào là PLR tại nguồn.

Chỉ vì xe rác 1 ngăn - ảnh 1

Với xe chở rác 1 ngăn thì rác dù có được phân loại thì cũng vẫn đổ lẫn vào nhau – Ảnh: Diệp Đức Minh

Anh Sơn, ngụ nhà số 29 đường số 32, P.10, Q.6, cho biết: “Thời gian đầu triển khai PLR tại nguồn, bà con thực hiện khá nghiêm túc. Rác hữu cơ để riêng và rác vô cơ để riêng thành 2 thùng. Thế nhưng sau khi rác được người dân phân loại và chuyển sang bộ phân thu gom thì phát sinh rắc rối. Nhiều xe rác, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập đã nhập chung giữa rác hữu cơ và các loại rác còn lại vào cùng một xe. Chưa kể, nhiều người còn lục tung lên để tìm những phế thải có thể bán lại. Vì vậy, nhiều người dân sau đó cảm thấy nản lòng với chương trình”.

Chương trình PLR tại nguồn coi như thất bại chính vì những việc làm không đồng bộ. Lẽ ra, rác đã được người dân phân loại phải được thu gom bằng loại phương tiện có 2 ngăn để chứa 2 loại rác. Chính vì không có sự đầu tư phương tiện thu gom phù hợp đã dẫn đến việc người thu gom đổ chung 2 loại rác vào cùng 1 xe.

Sự “chết yểu” của chương trình đã ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Ông David Dương – Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), chủ đầu tư khu liên hợp này, cho biết hiện VWS đã đầu tư trên 15 triệu USD cho riêng hạng mục nhà máy xử lý, tái chế rác tại khu liên hợp. Thế nhưng, đến nay chưa thể hoạt động do chưa thực hiện PLR tại nguồn như TP đã cam kết. Nhà máy chưa thể hoạt động, công ty chưa có các sản phẩm bán ra thị trường như kế hoạch, trong khi hằng tháng VWS phải trả lãi cho việc xây dựng nhà máy.

Ông Trần Anh Việt, Phó chủ tịch UBND P.10, Q.6 nói, theo kế hoạch, trong năm nay P.10 cũng triển khai thực hiện PLR tại nguồn. Theo ông Việt, vừa qua Công ty dịch vụ công ích Q.6 đã thiết kế và mua sắm loại xe rác 2 ngăn để thuận lợi trong việc PLR tại nguồn. Tuy nhiên, ông Việt đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với các hội phụ nữ và trường học. Bởi thời gian qua, nhiều người dân còn rất mơ hồ về chương trình này. Thậm chí, một số hộ dân còn lấy thùng rác được cấp để đựng gạo.

Nên làm ngay

PLR tại nguồn là xu thế trong quản lý chất thải rắn ở các nước, theo phương pháp tiếp cận 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế), nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Những loại rác có giá trị được phân loại để tái chế, sẽ rất hữu ích trong thời điểm nguyên liệu chính phẩm liên tục tăng giá như hiện nay. Như Công ty CP gas Thành Tài ở tỉnh Long An mới đây đã xuất khẩu lô hàng 400 tấn sản phẩm nguyên liệu hạt PET được tái chế từ chai PET. Đây là lô hàng đầu tiên được sản xuất từ nhà máy tái chế chai PET của công ty này, với vốn đầu tư 9 triệu USD. Nhà máy có công suất 20.000 tấn/năm, dự kiến nâng công suất lên 60.000 tấn/năm. Sau khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên này cho Đài Loan, công ty sẽ xuất khẩu tiếp lô hàng lớn hơn cho các khách hàng từ Đức và Trung Đông.

TS Lê Văn Khoa – Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TP.HCM cho biết, để làm tốt 3R, việc đầu tiên là PLR tại nguồn. Ông nói, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, việc phân loại rác là bổn phận của mọi công dân, vì nó mang lại lợi ích cho cộng đồng. Khi rác được phân loại, các chất thải nguy hại đến môi trường sẽ được loại ra để xử lý riêng, rác hữu cơ được tái chế làm phân bón, còn các loại rác vô cơ có giá trị tái chế sẽ được sử dụng lại. Như vậy sẽ giảm bớt lượng rác chôn lấp, tiết kiệm đất đai.

Chỉ vì xe rác 1 ngăn - ảnh 2
Thùng rác ở nơi công cộng tại Indonesia cũng được phân loại riêng với hình ảnh để người dân dễ chọn lựa – Ảnh: Phương An

Theo ông David Dương, Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), để chương trình được triển khai tốt thì Nhà nước cần có chính sách có lợi cho người dân thì họ mới hưởng ứng, chẳng hạn như miễn, giảm tiền thu gom rác. Ngoài ra, để chương trình thành công, lực lượng xe thu gom rác nên do Nhà nước thực hiện. Như ở Mỹ, luật quy định mỗi nhà phải có 2 thùng rác, phân loại rác hữu cơ riêng và rác vô cơ riêng. Nếu để lẫn lộn, hộ đó sẽ bị phạt tiền và đơn vị thu gom rác sẽ từ chối nhận rác từ các thùng để rác lẫn lộn đó. Những hộ thực hiện nghiêm túc và giao rác đủ 2 thùng sẽ được giảm 50% tiền rác hằng tháng như là tiền trả công cho người phân loại. Trường hợp hộ chỉ giao cho đơn vị thu gom 1 thùng rác hữu cơ hoặc vô cơ, sẽ không được giảm 50% tiền rác.

Mai Vọng – Nguyễn Đình Mười

Share
Translate »