Doanh nhân David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions
(PLVN) – David Dương là doanh nhân gốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) và ông rất tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Từ năm 2005 đến nay, ông David Dương đã đầu tư số tiền hơn 200 triệu USD để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Thời điểm 2005, đây được xem là công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam tham gia đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến, bao gồm khu chôn lấp công nghệ cao, nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy phân loại và xử lý rác tái chế, nhà máy sản xuất phân compost, nhà máy điện từ khí metan…
Đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước không chỉ là nơi tiếp nhận, xử lý hơn 70% lượng rác thải của thành phố, mà còn trở thành điểm tham quan về một mô hình chuyên nghiệp chuẩn quốc tế về công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm của các trường học, đoàn khách tham quan trong nước và quốc tế. Trong hàng chục năm qua, hàng trăm đoàn khách từ nhiều miền tổ quốc, các chuyên gia nước ngoài đăng ký đến trực tiếp tiếp cận, học tập mô hình xử lý rác hiện đại.
Việt Nam đang rất cần khoa học, công nghệ
Không chỉ truyền cảm hứng bằng câu chuyện nghị lực vươn lên của chính bản thân nơi đất khách, doanh nhân David Dương còn tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội học tập, làm việc và cống hiến dựng xây quê hương Việt Nam. “Việt Nam đang rất cần khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực trở về Việt Nam để đóng góp, xây dựng đất nước. Các bạn là những người trẻ, được tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất. Chúng ta hãy đem những điều học được từ nhà trường, từ xã hội để góp phần phát triển quê hương. Đóng góp cho xã hội cũng là đóng góp cho chính bản thân, gia đình mình” – ông David Dương nói thêm.
Tại Việt Nam, Công ty VWS vẫn đang thực hiện theo yêu cầu của TPHCM về thay đổi công nghệ đốt rác phát điện. Công ty đã nộp xong tờ trình đến UBND TPHCM và đang chờ xét duyệt. Nếu được chấp nhận và thỏa thuận giá cả, hai bên sẽ cùng ký kết phụ lục hợp đồng và bắt tay thực hiện.
Hiện nay, công ty VWS vẫn đang tiếp nhận trung bình khoảng 6.700 tấn rác/ngày và xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ.
Doanh nhân David Dương cho biết: “VWS áp dụng việc chôn lấp bằng công nghệ chứ không phải chôn lấp truyền thống. Trước đây, việc chôn lấp rác hữu cơ không gây ô nhiễm môi trường đến mức lo ngại, nhưng hiện nay, thành phần rác biến chuyển theo sự phát triển của TPHCM, vậy nếu chôn lấp mà không có công nghệ để xử lý nguồn nước và khí metan thì chắc chắn việc chôn lấp này sẽ gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi sinh và sức khỏe con người”.
Được biết, giấy phép hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) có thời hạn đến năm 2055, theo yêu cầu của TPHCM, ông David Dương kỳ vọng dự án chuyển đổi đốt rác phát điện sẽ được giải quyết nhanh hơn.
Chia sẻ về tâm sự của một doanh nhân trước thềm năm mới 2025, ông David Dương cho biết: “Doanh nhân chúng tôi không chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, mà phải biết làm lợi cho xã hội, quê hương đất nước và nơi “chôn nhau cắt rốn”. Đây cũng là điều mà cha mẹ tôi nhắc nhở và chúng tôi vẫn đang cố gắng gìn giữ, thực hiện ngày càng tốt hơn”.
Hạnh Dung