Lời căn dặn của mẹ luôn được tôi khắc cốt ghi tâm, để đến hôm nay, làm việc gì cũng nghĩ đến mọi người, đến quê hương, đất nước.
Doanh nhân David Dương nói rằng lời căn dặn của mẹ: “Kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà phải biết cho đi”, luôn được ông khắc ghi, để làm việc gì cũng nghĩ đến mọi người, đến quê hương, đất nước.
Phóng viên: Một năm qua đi với nhiều biến động khó lường của thiên tai, chiến tranh, xung đột chính trị trên thế giới đã làm cho kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong tình hình như vậy, các doanh nghiệp của ông gặp thuận lợi và khó khăn gì?
– Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc California Waste Solutions (CWS – Mỹ) và Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS): Quả thật năm 2024 tiếp tục là năm mà giới doanh nhân gặp vô vàn khó khăn. Nhưng nhờ chủ động ứng phó, tại Mỹ, CWS đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhà máy phân loại tái chế đang xây dựng tại TP Oakland (bang California) đang tiến triển thuận lợi. Hướng đến chuyển đổi công nghệ xanh, chúng tôi cũng đã xây dựng khu vực nạp khí nén lỏng và nạp điện để tiếp nhiên liệu cho xe thu gom rác.
Hiện nay, toàn bộ xe thu gom rác của CWS hầu hết chạy bằng khí nén lỏng CNG. Theo quy định của bang California, từ 2035, tất cả các loại xe trong bang California đều phải chạy bằng điện để giảm khí thải. Theo lộ trình này, chúng tôi đang tập trung đầu tư để sớm thay đổi hoàn toàn xe thu gom rác chạy bằng điện. Các gói thầu thu gom và xử lý rác thải tại Mỹ của chúng tôi đều hoạt động bình thường và còn thời hạn gần 20 năm.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã trình dự án chuyển đổi công nghệ xanh. Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo TP HCM về chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện. Đây là dự án đốt rác phát điện dựa trên công nghệ hiện đại của Nhật, rất phù hợp với chủng loại rác tại Việt Nam. Dự án đang chờ phê duyệt của thành phố.
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc California Waste Solutions (CWS – Mỹ) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS)
* Ông được biết đến là người có tầm ảnh hưởng trong giới doanh nhân gốc châu Á, cũng như trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Điều này tạo ra động lực gì cho ông?
– Tôi rất vinh hạnh được chọn là một trong 15 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tại thung lũng Silicon. Báo San José Spotlight đề cập đến tôi với hai thành tựu quan trọng. Đó là với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt – Mỹ (VABA), tôi đã giúp doanh nghiệp Việt kiều đấu thầu thành công các hợp đồng tại Mỹ. Với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS), tôi đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là kiều bào Việt Nam tại Mỹ.
Những thành tựu được ghi nhận tiếp thêm động lực, giúp tôi nâng cao trách nhiệm cộng đồng. Đối với bất kỳ doanh nhân nào, trách nhiệm cộng đồng là nền tảng, là yếu tố thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.
* Đó cũng là lý do mà gần 20 năm về nước đầu tư, ông vẫn luôn dành nhiều chia sẻ đến người nghèo?
– Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội. Đó là đạo đức trong kinh doanh và cũng là truyền thống của gia đình chúng tôi.
Tháng 9-2024, bão số 3 tàn phá miền Bắc, cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu và gây thiệt hại về người. Tôi còn nhớ khi đó, chính quyền, đoàn thể, báo chí trong nước, trong đó có Báo Người Lao Động mở các cuộc vận động, kêu gọi chung tay, đóng góp hướng về miền Bắc. Tôi đang ở Mỹ nên liên hệ ngay với Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đề nghị được chung tay đóng góp. Việc này không phải để đánh bóng tên tuổi mà tôi nghĩ là người dân mình đang cần sự giúp đỡ lúc hoạn nạn, nên sẵn sàng giúp để động viên tinh thần, mong bà con vượt qua nỗi đau và mất mát rất lớn.
Trong đại dịch COVID-19 cũng vậy, là một doanh nhân, kiều bào, chúng tôi cũng làm hết sức vì quê hương. Chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.
* Tết là dịp để sum vầy, đoàn tụ gia đình, dành yêu thương cho đấng sinh thành. Với ông, mẹ là người vẫn luôn dõi theo bước chân mình?…
– Cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ (31-12), đại gia đình chúng tôi cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên cũng là ngày sinh nhật của mẹ tôi. Năm nay mẹ tôi không còn nữa, chúng tôi rất buồn và nhớ bà.
Tôi nhớ lại khi mẹ còn sống vào những năm tháng đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Vào những ngày mùa đông gió lạnh, mẹ thường đến những tiệm đồ cũ mua cho chúng tôi những chiếc áo lạnh để mặc đi lượm rác. Những chiếc áo cũ chứa cả một bầu yêu thương mà mẹ dành cho anh em chúng tôi. Đến sau này, khi lớn lên và thành đạt như ngày hôm nay, tôi thường mua tặng mẹ những bộ đồ mới. Mẹ tôi vui lắm nhưng nếu tôi mua đồ hiệu đắt tiền mẹ tôi không chịu mặc, bảo rằng như vậy là phung phí. Từ nhỏ, mẹ dạy anh em chúng tôi phải biết tiết kiệm, nếu có tiền thì biết chia sẻ cho người nghèo. Sau này chúng tôi thành danh, mẹ lại dặn: “Kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà phải biết cho đi”.
Lời căn dặn của mẹ luôn được tôi khắc cốt ghi tâm, để đến hôm nay, làm việc gì cũng nghĩ đến mọi người, đến quê hương, đất nước.
Đoàn học sinh tham quan nhà máy điện (chạy bằng khí gas từ bãi chôn lấp) tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
* Có lẽ tình yêu thương của người mẹ đã giúp ông trở thành doanh nhân vì cộng đồng. Với đội ngũ nhân viên của mình thì sao, thưa ông?
– Người lao động luôn là “vốn quý” của doanh nghiệp. Một người lãnh đạo giỏi phải giúp họ xem doanh nghiệp là nhà. Mà để làm việc này thì phải “biết cho đi”, biết sẻ chia, dành mọi sự quan tâm, chăm sóc, coi trọng họ.
Chúng tôi là công ty của nước ngoài, hơn nữa tôi là người Mỹ gốc Việt nên sự đóng góp của các công nhân viên, người lao động đối với công ty trong việc bảo vệ môi trường là rất đáng trân quý. Do đó chúng tôi có bổn phận phải chăm sóc, làm những gì tốt nhất có thể cho công nhân viên bằng những việc làm rất thiết thực như: tổ chức cho tất cả gia đình công nhân viên, người lao động đi nghỉ mát, vui chơi… nhằm tạo điều kiện tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, Tết… công ty đều tổ chức cho công nhân viên ăn liên hoan, quay số trúng thưởng với những phần quà có giá trị để động viên khích lệ, động viên tinh thần; tổ chức cho các con em công nhân viên vui hè, Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu…
Năm cũ qua đi nhưng có lẽ với ông, vẫn còn nhiều băn khoăn đọng lại?
– Thật sự là như vậy khi những điều tâm huyết, mong chờ, kỳ vọng vẫn chưa thực hiện được. Từ dự án chuyển đổi đốt rác ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đến dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh ở Long An, những vướng mắc về thủ tục, pháp lý vẫn chưa được giải quyết.
Nhưng tôi vẫn luôn lạc quan nhìn về phía trước và dù khó khăn đến mấy cũng không nản lòng.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thành điểm đến
Từ nhiều năm nay, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Riêng trong năm 2024 có hàng chục đoàn đến đây. Ngoài sự viếng thăm của các cấp chính quyền của TP HCM và một số tỉnh, thành còn có các đoàn học sinh, sinh viên trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu mô hình tiên tiến về xử lý, tái chế rác tại đây.
“Khi về nước đầu tư, tôi luôn tâm nguyện đóng góp cho quê hương sau đó mới nghĩ đến vấn đề lợi nhuận. Tôi rất tự hào khi tạo ra được một hình mẫu về xử lý môi trường để ngày càng có nhiều người đến tham quan, tìm hiểu” – ông David Dương chia sẻ.
HỒNG THÚY