Ngày 7/10/2010 tại TP.HCM, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam – VWS đã tổ chức lễ Công bố dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Đây là dự án có quy mô lớn với tổng diện tích 1.760 ha, tổng vốn đầu tư 700 triệu USD (vốn đầu tư trong vòng 20 năm), thời gian tiếp nhận và xử lý rác từ 75-100 năm. Công ty VWS đang triển khai giai đoạn 1 bao gồm khảo sát và thiết kế tổng thể, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Sau khi được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, dự án có thể tiếp nhận và xử lý rác sau 18 tháng thi công xây dựng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông David Dương, TGĐ Công ty California Waste Solutions – CWS (Hoa Kỳ) và VWS cho biết: với mục tiêu xây dựng một dự án tầm cở quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao và hơn hết là mang lại lợi ích cho xã hội, Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại Long An sẽ là một mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng của người dân trong nước và Việt kiều, những người luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Việc làm này không những tạo cơ sở tài chính vững chắc để thực hiện dự án mà còn phù hợp với các chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ đối với Việt kiều.

Dự án Khu Xử lý chất thải công nghệ xanh sẽ được đầu tư rất quy mô, tiên tiến, tầm cở khu vực Đông Nam Á theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, được áp dụng phù hợp với luật bảo vệ môi trường của VN. Dự án có khả năng xử lý đủ loại thành phần chất thải bao gồm rác thải nguy hại và rác y tế, rác thải công nghiệp, rác điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh ô nhiễm, nước thải, vỏ xe cũ…với công xuất cao, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, trong Khu Xử lý chất thải công nghệ xanh còn có một KCN xanh và tái chế sẽ khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành sản xuất và tái chế vật liệu như giấy, nhựa và khuyến khích các ngành công nghiệp và các trung tâm nghiên cứu để ứng dụng, sử dụng vật liệu tái chế. Dự án cũng sẽ góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các chuyên gia và kỹ sư VN.

Ban Giám đốc Công ty CWS và VWS tại lễ công bố

Công ty VWS rất vinh dự được Chính phủ tin tưởng và chọn làm chủ đầu tư chính dự án, bằng tất cả tâm huyết và nguồn lực của CWS và VWS, cùng với sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải, chúng tôi quyết tâm sẽ đưa những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của thế giới để xây dựng thành công dự án. VWS sẽ cố gắng là một địa chỉ đáng tin cậy trong xử lý môi trường, mong muốn cùng đồng hành giải quyết triệt để bài toán khó về xử lý chất thải tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, tạo một môi trường trong lành, xạch đẹp, an toàn cho người dân về lâu dài, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và an sinh cho toàn xã hội – ông David Dương khẳng định.

Tại buổi công bố, TS Darryl Petker, chuyên gia xử lý môi trường Công ty CWS và VWS cũng đã có bài thuyết trình về những tính năng ưu việt cùng với những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới sẽ được áp dụng tại dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh nhằm đạt được hiệu quả của việc tái chế, tái sinh và mang lại nhũng giá trị cao cho xã hội, góp phần làm sạch môi trường.

Khoan khảo sát địa chất dự án tại Long An

Công ty VWS đang làm chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM). Khu liên hợp (127 ha) đang được sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD bao gồm một nhà máy phân loại và tái chế, hiện tại tiếp nhận rác 3.000 tấn/ngày (công suất 10.000 tấn ngày), 2 nhà xử lý nước rỉ rác có công suất 3.280 m3/ngày đêm (đầu ra đạt loại A), một dây chuyền chế biến rác hữu cơ thành phân compost, khu chôn lấp rác an toàn và hợp vệ sinh…

Được biết, Công ty VWS còn là một doanh nghiệp tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Từ tháng 11/2007 đến nay, Công ty VWS đã tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội trên cả nước hơn 10 tỉ đồng.

Nguồn từ Tổng cục Môi trường

Share
Translate »