Cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam và VWS?
Tôi là chuyên gia lâu năm về môi trường ở Hoa Kỳ. Công việc chuyên môn đã giúp tôi làm quen với ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS). Chúng tôi đã gắn bó với nhau nhiều năm. Tôi cũng từng được mời làm tư vấn cho các dự án môi trường do CWS triển khai ở Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Á khác.
Sau khi tôi nghỉ hưu ở Bang California, ông David mời tôi làm Giám đốc Phát triển Dự án Khu liên hợp Công nghệ Xử lý chất thải Xanh Long An của VWS, do ông làm chủ đầu tư tại Việt Nam. Tôi rất vui vì có cơ hội tuyệt vời để tham gia dự án mang tầm vóc châu Á, được sống và làm việc tại Việt Nam. Từng làm việc cho Bộ Bảo vệ Môi trường của California trong bộ phận xử lý chất thải, là kỹ sư trưởng, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách với toàn bang, tôi hiểu được mức độ phức tạp của những vấn đề môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, vì thế, tôi nhận lời đến làm việc tại đây.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án Khu liên hợp Công nghệ Xử lý chất thải Xanh Long An?
Khu liên hợp có tổng diện tích 1.760 ha, sẽ tiếp nhận tới 40.000 tấn rác/ngày, xử lý chất thải cho cả Long An và TP.HCM. Việc xây dựng hoàn tất sau 20 năm. Dự án được chia thành nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, sẽ thay đổi cùng với những yêu cầu về xử lý chất thải và sự thay đổi công nghệ trong 100 năm tới; tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Dự án này thể hiện tầm nhìn dài hạn của ông David Dương trong xử lý chất thải cho Việt Nam.
Từ thực tiễn công việc tại VWS, trong thời điểm kinh tế toàn thế giới khó khăn, ông vẫn tin vào sự thành công của các dự án mà Công ty đang triển khai?
Tôi tin tưởng vào những công việc mà chúng tôi đang làm. Là người bảo vệ môi trường, chúng tôi có phương châm là sự thành công chỉ tạm thời, còn thất bại thì luôn hiện hữu, vì vậy phải dám đối mặt với thử thách.
Chứng kiến những cải thiện trong công tác xử lý chất thải tại Việt Nam sau những năm làm việc tại VWS, chúng tôi đặt mục tiêu là cung cấp cho không chỉ VWS mà cả Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để xử lý chất thải một cách an toàn. Mục tiêu này đang được hiện thực hóa tại các khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và Long An.
Tôi khẳng định, các dự án môi trường mà CWS triển khai đã tạo nên những tiêu chuẩn rất quan trọng cho công tác xử lý chất thải tại Việt Nam. Tầm nhìn, tiêu điểm và năng lực của CWS sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường không chỉ cho TP.HCM, Long An, mà toàn Việt Nam. Ông David có những tiêu chuẩn rất cao cho chất lượng công việc, có tiềm năng tài chính, có cách tiếp cận rất năng động và kinh nghiệm thực tiễn, điều đó sẽ giúp thực thi những kế hoạch của CWS tại Việt Nam. Việt Nam cũng được hưởng nhiều lợi ích từ các dự án môi trường này.
Theo ông, đâu là những khó khăn mà các dự án môi trường Việt Nam đang phải đối mặt?
Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề phân loại rác thải tại nguồn. Vấn đề này, theo tôi không chỉ với riêng các dự án của VWS, mà của toàn ngành môi trường Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tập trung giải quyết trong thời gian ngắn vì nhu cầu cấp bách của nó. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ loại hầu hết các thứ có thể tái chế, không đưa tới bãi chôn lấp.
Hiện tại ở Việt Nam, các chất có thể tái chế được xử lý kém ở hàng ngàn cơ sở thu gom nhỏ lẻ, thiếu vệ sinh. Quá trình tích trữ và vận chuyển nhỏ đang hoạt động không chịu sự kiểm soát về mặt môi trường, gây ô nhiễm. Trong khi đó, các nhà máy phân loại và tái chế như Đa Phước có thể xử lý hầu hết các chất thải có thể tái chế trong vùng rộng lớn một cách an toàn và không gây ô nhiễm. Tăng lượng rác tái chế và chế biến phân compost, sản xuất khí từ bãi chôn lấp để phát điện sẽ giúp tiết kiệm các nguồn tài nguyên cho quốc gia, tạo ra nhiều việc làm trong dài hạn và kích thích sự phát triển kinh tế. Vì thế, chính quyền TP.HCM nên cố gắng giao nhiều hơn các chất thải có thể tái chế cho nhà máy chúng tôi phân loại.