Giải thích về thông tin này với các cơ quan thông tấn báo chí, ông David Dương cho rằng: Thực hiện đúng các điều khoản của Hợp đồng đã ký kết với UBND TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, ngoài việc đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý chất thải rắn, VWS cũng đã nhập dây chuyền phân loại và tái chế rác, trị giá 10 triệu USD, nhưng việc giao rác đã phân loại để VWS vận hành dây chuyền này không được các cơ quan chức năng địa phương đáp ứng. Điều này dẫn đến hệ thống dây chuyền hiện đại phải “nằm chờ rác” trong khi VWS vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng. Để khắc phục bất cập do chính sách này, VWS đã quyết định nhập thêm hệ thống máy comptech, trị giá 7 triệu USD để sản xuất phân compost từ rác hỗn hợp. Nhưng do lượng rác được giao có nhiều tạp chất nên mỗi ngày VWS chỉ phân loại được 40% lượng rác hữu cơ cho dây chuyền sản xuất phân trong khi chi phí phải đầu tư rất cao.
Trong khí đó tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, VWS cũng đã triển khai xây dựng nhà máy phát điện bằng khí gas thu được từ khu chôn lấp rác hợp vệ sinh, có công suất 12MW, dự kiến cuối năm 2013 đi vào hoạt động. Vì vậy, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước cần thêm lượng rác khoảng 1.000 tấn/ngày để phục vụ hoạt động sản xuất phân compost và thu khí gas từ rác để phát điện.
Thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VWS cũng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Khu Xử lý chất thải công nghệ xanh tại huyện Thủ Thừa (Long An). Đây là dự án tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, với vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu USD, dự kiến đầu năm 2014, dự án có thể bắt đầu tiếp nhận rác và sản xuất phân compost.
Phương thức đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi vốn đầu tư của Việt kiều và người dân trong nước, có công suất 40.000 tấn/ngày, với mục tiêu tiếp nhận và xử lý tất cả các loại rác thải cho Long An, TP. Hồ Chí Minh cùng các địa phương khác của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng điều bất hợp lý là do chính sách phân bổ nguồn chất thải rắn đô thị chưa hợp lý nên ngay cả lượng rác cho Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước vẫn chỉ ở mức 3.000 tấn/ngày thì bài toán tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cho Dự án Khu Xử lý chất thải công nghệ xanh cũng đang được VWS cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu.
Nếu về công nghệ và quyết tâm thì VWS đủ sức thực hiện tất cả các dự án nếu đủ lượng rác như cam kết nên ông David Dương đã kiến nghị rằng: Thay vì đầu tư hàng ngàn tỷ từ ngân sách để xây dựng mới các khu xử lý rác, Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh nên có chính sách giao thêm rác cho các đơn vị đã và đang hoạt động hiệu quả, có công nghệ hiện đại, xử lý rác thành nguồn tài nguyên có ích cho xã hội, tái tạo được năng lượng sạch, bảo đảm an toàn môi trường sống cho người dân.
Làm được điều này, chi phí đầu tư sẽ giảm xuống, tiết kiệm được quỹ đất đô thị, vừa thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường.
“Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có 6.000 tấn rác sinh hoạt và khoảng 500 tấn các loại chất thải nguy hại khác như bùn hầm cầu, bùn nạo vét cống, rác công nghiệp… Trong đó, khoảng 50% tổng lượng rác sinh hoạt được đưa đi xử lý ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắc Đa Phước, huyện Bình Chánh; số còn lại đưa đi xử lý ở Khu xử lý chất thải Phước Hiệp huyện Củ Chi.”