Bài toán cho… rác

Đã bắt đầu có sự thay đổi nhận thức truyền thống về rác thải. Từ xem đây là nguồn phế liệu không mong muốn và xử lý tốn kém sang nhận thức mới xem rác thải như là một nguồn tài nguyên.

Xã hội hóa đầu tư

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM) giờ đây được biết đến như là một điển hình về xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại VN. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan khu liên hợp này đều ngạc nhiên vì đứng ngay trên bãi rác mà không hề thấy rác, còn cảnh quan thì đẹp như công viên. Đường vào khu liên hợp, một bên là bãi chôn lấp hợp vệ sinh với trên 4 triệu tấn rác đã được chôn lấp tính đến thời điểm hiện nay, và một bên là khu nhà xưởng, gồm nhà máy phân loại rác tái chế, nhà máy sản xuất phân compost, nhà máy xử lý nước thải. Các máy móc, thiết bị hoạt động tại khu liên hợp đều được nhập từ Mỹ và các nước tiên tiến, từ xe lu đầm, xe rửa đường, máy rửa xe tự động,… Nơi đây có cả một trạm theo dõi thời tiết và trạm quan trắc lún.


Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước là Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) của một Việt kiều Mỹ – ông David Dương. Thành lập vào tháng 12.2005 theo giấy phép của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, VWS đã đầu tư, cung cấp các giải pháp thiết kế, xây dựng và vận hành khu xử lý – tái chế chất thải hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường theo công nghệ tiên tiến của Mỹ. Toàn bộ dự án có diện tích đến 128 ha, trong đó giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 43 ha, với 15 ha là nơi xây dựng nhà xưởng, nhà máy xử lý môi trường, phần còn lại 28 ha là khu chôn lấp rác hợp vệ sinh.

Kinh nghiệm ở Mỹ, công nghệ thu gom, tái chế, sản xuất phân bón và điện từ rác là một giải pháp tốt, làm cho rác trở nên có giá trị, mang lại lợi ích cho con người hay nói một cách khác, chúng ta mang lại “sự sống” cho rác.

Đặc biệt, bãi chôn lấp được thiết kế theo công nghệ tiên tiến của Mỹ, đáp ứng tối đa tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Khi rác phân hủy, nó sẽ tạo ra hai chất phụ, đó là nước thải (còn gọi là nước rỉ rác) và khí gas (metan). Bãi chôn lấp đã có hệ thống thu hồi và xử lý hai chất phụ này với hiệu quả cao nhất để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Nước rỉ rác được xử lý theo công nghệ hiện đại tại 2 nhà máy, trong đó có một hệ thống sử dụng công nghệ màng lọc nano và xử lý vi sinh lần đầu tiên áp dụng để xử lý nước thải tại Việt Nam. Tổng công suất hai nhà máy là 3.280 m3/ngày đêm, đạt tiêu chuẩn xả thải loại A, nước sau khi xử lý được dùng trong sinh hoạt hằng ngày trên công trường. Còn khí metan sẽ được thu hồi dùng để sản xuất điện cung cấp cho cả khu liên hợp này, công suất điện đủ dùng cho cả khu liên hợp và hòa lưới điện quốc gia để bán lại cho cơ quan điện lực. VWS quyết định đầu tư xây dựng nhà máy phát điện từ hệ thống thu hồi khí gas tại bãi chôn lấp rác, công suất 12 MW, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2013.

Công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại bắt đầu từ ý thức bảo vệ môi trường và những kinh nghiệm từ Mỹ của David Dương. Trước khi về Việt Nam đầu tư, David Dương là chủ nhân một công ty xử lý rác nổi tiếng ở Mỹ – Công ty California Waste Solutions, có trụ sở tại Oakland, California, với hơn 30 năm kinh nghiệm về đầu tư, vận hành, quản lý các khu công nghiệp xử lý môi trường tại Mỹ. “Là một người Mỹ gốc Việt, tôi rất hân hạnh và tự hào vì có thể đem lại một dự án đầy lợi ích như thế cho quê hương tôi” – David Dương tâm sự. Và, ông cho biết khu xử lý chất thải rắn này hình thành từ chủ trương của Chính phủ kêu gọi kiều bào về nước đầu tư và chủ trương xã hội hóa của TP.HCM trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Qua 8 năm về VN đầu tư, ngoài dự án tại Đa Phước, VWS đang xúc tiến đầu tư một dự án có quy mô lớn tại H.Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Dự án đó là Khu liên hợp công nghệ xử lý chất thải Xanh, có vòng đời đến 100 năm, đã hoàn thành nghiên cứu khả thi vào tháng 4.2008; từ tháng 5.2011 đã tiếp nhận mặt bằng của dự án với tổng diện tích 1.760 ha và đang triển khai các công việc trong khu vực dự án. Trên khu vực này sẽ được quy hoạch gồm 4 khu vực chính: khu vành đai cách ly; khu nhà ở cho nhân viên; khu nghiên cứu công nghệ xanh; khu tái sinh tái chế, trong đó phần quan trọng nhất là khu vành đai cách ly xanh và bảo tồn thiên nhiên, với 300 m chiều ngang bao quanh các khu vực bên trong của khu liên hợp. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ trên 700 triệu USD trong vòng 20 năm tới, trong đó vốn đầu tư ban đầu dự kiến trên 100 triệu USD.

Dự án phục vụ cho vùng trọng điểm kinh tế phía nam, trong đó có TP.HCM và Long An, những nơi có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh và lượng rác phát sinh cũng tăng cao. Công suất tiếp nhận rác lên đến 40.000 tấn/ngày trong 20 năm tới, tạo việc làm mới cho khoảng 6.000 – 10.000 lao động. Các hoạt động chính tại khu liên hợp này sẽ gồm tái sinh, tái chế, tái sử dụng vật liệu rác thải (giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, vỏ xe, chất thải điện tử,…); xử lý nước thải, chất thải công nghiệp; sản xuất phân bón sinh học từ rác; sản xuất điện, nhiên liệu sinh học…

Kinh nghiệm từ Mỹ

Tổng giám đốc VWS – ông David Dương – chia sẻ: “Kinh nghiệm ở Mỹ, công nghệ thu gom, tái chế, sản xuất phân bón và điện từ rác là một giải pháp tốt, làm cho rác trở nên có giá trị, mang lại lợi ích cho con người hay nói một cách khác, chúng ta mang lại “sự sống” cho rác”. Ông dẫn chứng ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ tạo ra gần 460.000 việc làm và mang về khoản thu trên 90 tỉ USD cho nền kinh tế nước này (theo một nghiên cứu do Viện Công nghệ tái chế phế liệu (ISRI) ủy thác thực hiện). Ngành công nghệ này còn tạo ra một khoản thu 10,3 tỉ USD tiền thuế mỗi năm. “Việt Nam nên phát triển ngành công nghiệp tái chế phế liệu để góp phần thúc đẩy nền kinh tế tạo thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà sản xuất trong nước, tạo việc làm cho nhiều người, giúp bảo vệ môi trường và giúp tiết kiệm năng lượng” – ông David Dương đề nghị.

Để phát triển ngành công nghiệp tái chế, yêu cầu phải có phân loại rác tại nguồn. TP.HCM đã thực hiện thí điểm việc này nhưng chưa thành công do thiếu đầu tư đồng bộ phương tiện thu gom, vận chuyển rác đã phân loại. Thực tế hiện nay có rất nhiều gia đình đã tự phân loại rác tại nhà một cách tự phát, bởi rác phế liệu có thể tái chế đang được những người mua “ve chai” thu gom và sau đó được tái chế bởi hàng ngàn cơ sở nhỏ. Những cơ sở nhỏ này tái chế rác bằng phương pháp thủ công, không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm cho môi trường.

Trong khi đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã có một nhà máy phân loại rác tái chế và nhà máy sản xuất phân bón compost. Cả hai đều đã vận hành thử. Nhà máy phân loại rác tái chế có công suất tối thiểu là 500 tấn/ngày và nhà máy compost có khả năng sản xuất đến 1.000 tấn nguyên liệu rác mỗi ngày thành khoảng 600 tấn phân hữu cơ. Do rác tại TP.HCM chưa được phân loại tại nguồn nên nhà máy phân loại rác tái chế hiện nay vẫn chưa thể hoạt động, còn nhà máy phân compost thì đang vận hành thử nghiệm sau khi VWS đã nhập về dây chuyền sản xuất từ rác hỗn hợp trị giá 7 triệu USD.

Bài toán khó cho VWS hiện nay là nếu tập trung sản xuất phân compost với công suất 1.000 tấn/ngày thì sẽ không đủ lượng rác chôn lấp để sản sinh ra khí gas liên tục để phát điện. Do vậy, theo Tổng giám đốc VWS – ông David Dương, hiện 3.000 tấn rác tiếp nhận mỗi ngày cho bãi chôn lấp là đủ lượng khí gas để phát điện, còn để cho nhà máy sản xuất phân compost hoạt động thì cần có thêm 1.000 tấn rác/ngày nữa.

Ông David Dương cho biết, hiện nay mỗi ngày có 3.000 tấn rác hỗn hợp được đưa đến Đa Phước, trong khi khu liên hợp có công suất tiếp nhận và xử lý đến 10.000 tấn rác/ngày, nghĩa là vẫn chưa hoạt động hết công suất. Nếu khu liên hợp có thêm nguồn rác để sản xuất phân compost thì chi phí xử lý rác sẽ giảm, mang lại hiệu quả hơn cho TP.HCM về lâu dài so với việc đầu tư vào những dự án nhỏ lẻ ngắn hạn hơn.

Mai Khanh

Share
Translate »