Chàng David và gã khổng lồ

Bận rộn là từ có thể nói về ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS).

CôngThương – Ông Dương đồng thời cũng là chủ của California Waste Solutions (CWS), mà mới đây, trong danh sách xếp hạng của tạp chí chuyên ngành Waste 360, CWS đứng ở thứ hạng 31 trong 100 công ty hàng đầu về xử lý rác lớn nhất nước Mỹ. Năm ngoái, thứ hạng của CWS là thứ 37.​

Việc CWS vươn lên 6 bậc trong năm nay phần nào cho thấy công ty đang ăn nên làm ra. Nhiều người còn cho rằng thứ hạng này có thể được nâng cao hơn nữa khi nhìn vào hai dự án đầu tư mới của CWS tại California. Cụ thể, CWS đang đầu tư một nhà máy xử lý rác và năng lượng tái tạo tại thành phố Oakland với vốn đầu tư dự kiến 130 triệu đô la Mỹ, và dự án còn lại là nhà máy phân loại phế liệu tái chế ở thành phố Stockton có vốn đầu tư dự kiến 30 triệu đô la Mỹ.

Ở Mỹ, ông Dương vẫn là một chàng David khi so với hàng loạt gã khổng lồ trong ngành môi trường. CWS hiện đang tham gia đấu thầu một số gói thầu xử lý rác lớn ở Mỹ, và phải chờ đến tháng 8-2014 mới có kết quả chính thức. Nhưng CWS cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đối đầu với các gã khổng lồ ở Mỹ. Một trong số đó là vào năm 2007, CWS đã chiến thắng một công ty rác hàng đầu tại Mỹ bằng sức mạnh của cộng đồng người Việt tại khu dân cư có đông người Việt sinh sống.

Với dáng người nhỏ nhắn, người đàn ông có sinh quán tại Sài Gòn này thuộc tuýp doanh nhân có tính cách rất Mỹ: làm giàu bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Văn hóa Mỹ rất kính trọng những người thành đạt từ mồ hôi nước mắt, đi lên từ hai bàn tay trắng, chứ không chú trọng vào xuất xứ của họ. Câu chuyện bắt đầu từ thuở cơ hàn, khi ông Dương đặt chân đến Mỹ, kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu, tích cóp vốn liếng để khởi sự kinh doanh. Chừng vài năm sau đó, ông cùng gia đình góp vốn mua một chiếc xe tải cũ, trị giá 700 đô la Mỹ để đi thu gom giấy, phế liệu và ve chai. Và sau những thăng trầm, ông Dương đã xây dựng nên California Waste Solutions. Nhiều người gọi ông bằng danh xưng rất nhất nghệ tinh: “vua rác”.

Cái tên “vua rác” càng xứng đáng hơn khi nói về ông Dương ở Việt Nam, nơi ông đã đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ vào dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM). Công ty VWS hiện nhận xử lý 3.000 tấn rác mỗi ngày tại TPHCM. Một nhà máy phát điện từ khu chôn lấp rác công nghệ cao cũng sẽ được công ty đầu tư trong năm 2014.

Bên cạnh đó, ông Dương đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào dự án khu xử lý chất thải trên diện tích 1.760 héc ta ở tỉnh Long An. Dự án có tên “Khu công nghệ môi trường xanh” này có vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 100 triệu đô la Mỹ, sau đó sẽ kêu gọi góp vốn mở rộng đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ. Đây sẽ là khu xử lý rác có công nghệ hiện đại cho cho cả TPHCM, Long An và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chừng mươi năm trước, khi nghe tin một Việt kiều sẽ bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để đầu tư một khu xử lý chất thải tại Đa Phước, nhiều người không khỏi bật cười. Nhưng rồi sự hiện hữu của VWS cùng với những công nghệ mới và quy trình xử lý rác tiên tiến đã làm không ít người giật mình: rác là một nguồn tài nguyên quý, và những ai biết cách sẽ biến nó thành vàng. Dẫu vậy, khi hỏi ông Dương về lợi nhuận, ông chỉ cười: “Lợi nhuận đầu tiên và lớn nhất là đóng góp cho quê hương. Còn lợi nhuận từ kinh doanh cũng phải chục năm nữa!”.

Vài năm gần đây, bên cạnh chủ đề về rác, ông Dương có thêm một số quan tâm khác nữa là giáo dục và từ thiện xã hội. Mọi chuyện bắt đầu vào thời điểm tháng 2-2010, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí Ủy viên phụ trách Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Thông qua vai trò mới này, ông David Dương có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt thông qua đào tạo giáo dục trong lĩnh vực khoa học, để các du học sinh có cơ hội tiếp cận và học hỏi công nghệ cao, trở về đóng góp cho quê hương. Mỗi năm VWS trao tặng hàng trăm suất học bổng, hàng ngàn cuốn vở cho học sinh nghèo hiếu học. Công ty còn tặng thư viện, máy tính cho các trường học ở các địa phương nghèo, xây tặng nhà cho người nghèo… Thành công từ đôi bàn tay trắng, nên ông David Dương luôn nghĩ cách giúp đỡ người kém may mắn theo những cách đơn giản và thiết thực nhất. Tính đến nay, VWS đã đóng góp cho các hoạt động xã hội trên 1 triệu đô la Mỹ.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Share
Translate »