TP – Với diện tích hơn 1.700ha và tổng vốn đầu tư lên hơn 700 triệu USD, dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An được xem là khu xử lý rác hiện đại nhất trong tương lai, đảm nhận xử lý rác cho 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trước giai đoạn khởi động dự án, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải rắn VN – chủ đầu tư về dự án này.
Khu công nghệ Môi trường xanh Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dự án xử lý rác hiện đại nhất hiện nay, xin ông cho biết đôi nét về dự án này?
Ông David Dương: Hiệu quả từ dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TPHCM đã thôi thúc tôi tiếp tục mang công nghệ xử lý rác hiện đại của thế giới đầu tư vào Khu công nghệ Môi trường xanh ở Long An. Đây là dự án mang tầm quốc tế, với quy mô 1.760 ha, tổng giá trị đầu tư hơn 700 triệu USD, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ được áp dụng và phù hợp với Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Dự án có 4 khu vực chính: khu vành đai cách ly; khu nhà ở cho nhân viên; khu nghiên cứu công nghệ xanh; khu tái sinh tái chế, trong đó phần quan trọng nhất là khu vành đai cách ly xanh và bảo tồn thiên nhiên. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ xử lý từ rác thải sinh hoạt đến các loại rác thải nguy hại và rác thải y tế cũng như rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ,…sau đó được hệ thống phân loại, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải thành những vật liệu hữu ích. Chất thải ngoài sản xuất phân compost có công suất lớn, nơi đây còn có khu sản xuất ra thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt; khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng an toàn và hợp vệ sinh theo công nghệ Hoa Kỳ, có thể cung ứng năng lượng điện cho quốc gia…
Điều mà chúng tôi tâm đắc nhất khi xây dựng dự án là biến nơi đây thành một khu công nghiệp xanh và tái chế được quy hoạch trong Khu xử lý chất thải công nghệ xanh, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành sản xuất và tái chế vật liệu như giấy, nhựa; các ngành công nghiệp sử dụng vật liệu tái chế và các trung tâm nghiên cứu về vật liệu tái chế…vào đây đầu tư xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu. Toàn bộ dự án có công suất xử lý lên đến 40.000 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 8 tỉnh TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.
Ông David Dương – Tổng giám đốc Công ty VWS
Vậy đến thời điểm này, VWS đã có những khởi động gì cho dự án chưa thưa ông?
Ông David Dương: Hiện Công ty VWS đang chuẩn bị triển khai xây dựng 2 cây cầu và đường nối từ tuyến quốc lộ N2 vào dự án. Các sở, ngành tỉnh Long An cũng đang phối hợp với TPHCM, đã tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai để đi vào hoạt động. Cây cầu đầu tiên chuẩn bị động thổ có tên gọi MTX1 (Môi Trường Xanh 1), gồm 3 nhịp với chiều dài 74,57m; bề rộng cầu là 32 m, bố trí 6 làn xe và 2 làn bộ hành cùng với dải phân cách. Điểm nổi bật tạo nét đẹp của cây cầu là trụ tháp cao 30m, cùng với hệ dây cáp văng và dây cáp treo, tượng trưng cho mối quan hệ của con người với thiên nhiên và nó cũng gợi lên hình ảnh chiếc thuyền buồm nhìn từ phía đường cao tốc. Cấu trúc cáp treo nhẹ nhàng và giống như một cánh buồm lộng gió tạo một cảm giác tươi mới và tự nhiên giống như một con tàu ngoài khơi, sẽ tạo một hình ảnh mới và sự kết nối với ý tưởng bảo vệ môi trường ở một tầm cao tiềm thức thông qua tưởng tượng.
Lợi dụng tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, một số đối tượng quá khích đã đập phá doanh nghiệp, với cương vị là Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Mỹ, ông thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Ông David Dương: Tôi ủng hộ việc người dân Việt Nam lên tiếng phản đối trong ôn hòa khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của nước ta. Bản thân tôi cùng các kiều bào tại Mỹ cũng tham gia biểu tình tại tổng lãnh sự quán của Trung Quốc ở San Francisco vừa qua. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với một số thành phần quá khích, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để có hành động phá hoại và hôi của tại một số doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ.
Hiện tại các thành viên Hội Doanh nhân Việt Mỹ của chúng tôi cũng theo dõi những diễn biến kế tiếp của chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Điều rất mừng là các thành viên trong Hội vẫn rất lạc quan về nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam cũng như cách xử lý tranh chấp của Việt Nam như bắt giam những thành phần phá hoại và đền bù cho những doanh nghiệp thiệt hại, đồng thời đảm bảo sự an toàn, an ninh cho các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Với tư cách là một cá nhân đầu tư về quê hương, đến thời điểm này, tôi vẫn kiên định với lập trường của mình là đầu tư gần 1 tỷ USD cho dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An. Tôi nghĩ cái quan trọng là chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước cho những kiều bào đầu tư về quê hương đầu tư.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào về nước, đầu tư làm ăn ở quê hương đủ cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam thật tuyệt vời. Điều đó cũng chứng tỏ các chính sách của Chính phủ, Đảng và Nhà nước triển khai những năm vừa qua ngày càng phù hợp, đúng hướng và đúng nguyện vọng của kiều bào.
Cảm ơn ông!
Ông David Dương cho biết, trong 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM là nơi có lượng rác thải sinh hoạt nhiều nhất, chiếm hơn phân nửa tổng lượng chất thải sinh hoạt của toàn vùng.
Với đặc thù của vùng là có rất nhiều khu công nghiệp, nên lượng chất thải công nghiệp và đặc biệt là chất thải nguy hại cũng rất nhiều, với tổng lượng thải cũng tương đương với rác thải sinh hoạt.
Theo các số liệu mà chúng tôi có được, khối lượng chất thải rắn phát sinh của 8 tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay là 10.291 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (trong đó TPHCM là 6.500 tấn/ngày) và 11.824 tấn rác thải công nghiệp/ngày.
Ước tính khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020, sẽ khoảng 20.623 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (trong đó TPHCM khoảng 9.814 tấn/ngày), chưa kể lượng rác thải công nghiệp cũng có thể tương đương như vậy.
Với công suất xử lý đến 40.000 tấn/ngày, trong vòng đời của dự án kéo dài từ 75 năm đến 100 năm, và lượng rác của toàn vùng sẽ còn tăng thêm nữa theo thời gian, tôi cho là không thiếu rác cho dự án. Vấn đề là chúng ta tổ chức thu gom như thế nào cho hiệu quả.
Lê Nguyễn