TP – Nếu được chấp thuận, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS)- chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở TPHCM sẽ xây dựng và lắp đặt thêm công nghệ đốt rác, giảm bớt chôn lấp tại đây, thông tin được đưa ra trong cuộc họp giữa VWS và lãnh đạo UBND TPHCM ngày 2/12.
Ông David Dương trong lần gặp gỡ các bạn sinh viên khoa Môi trường.
Công nghệ giảm chôn lấp
Trong buổi họp với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và các sở ngành ngày 2/12, VWS đã kiến nghị với TPHCM cho phép được đầu tư theo yêu cầu của thành phố – thay đổi một phần công nghệ để giảm bớt phần rác chôn lấp.
Theo ông David Dương – Tổng giám đốc VWS, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, VWS đã tích cực thực hiện và xử lý khá tốt mùi hôi xuất phát từ hai địa điểm là hồ chưa nước rỉ rác và nơi đang tiếp nhận rác. Song song với việc khắc phục triệt để mùi hôi, theo ông David Dương VWS cũng đã mời 3 đoàn chuyên gia độc lập từ Mỹ sang Việt Nam để thực hiện khảo sát, nghiên cứu các vấn đề trên.
Mô hình đốt mà VWS đang hướng đến cũng không nằm ngoài mục đích sản xuất điện từ khí thải. Theo VWS công nghệ đốt từ chất thải phát điện không chỉ góp vào lưới điện quốc gia mà còn giảm diện tích chôn lấp và sản xuất nhiên liệu tái tạo. “Nó sẽ giúp hạn chế bãi chôn lấp, chuyển đổi thành năng lượng tái tạo ổn định và phát triển kinh tế.
Ông Dương lý giải
Theo đó đoàn chuyên gia 1 sẽ có mặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để kiểm tra và đánh giá các thiết bị, công thức thực hiện khử mùi tại dự án để có thể bổ sung thiết kế, thiết bị mới và những công thức cần thay đổi để khống chế mùi hôi, đặc biệt là tại nơi đang tiếp nhận rác và các hồ điều tiết nước rỉ rác để đảm bảo môi trường tốt hơn cho cư dân trong vùng cách ly cây xanh…
Đoàn chuyên gia 2 sẽ tiến hành khảo sát tuyến đường đi và hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải của các xe chở rác; vị trí các trạm trung chuyển…qua đó có những đánh giá, góp ý về các điểm hạn chế cần cải thiện… Trong khi đó, đoàn chuyên gia 3 khảo sát thực địa để chọn địa điểm ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, tiến hành chọn địa điểm sau đó kiến nghị lãnh đạo thành phố cho VWS đầu tư theo yêu cầu của TP là thay đổi một phần công nghệ để hạn chế chôn lấp; lắp đặt thêm một phần công nghệ đốt rác, sản xuất điện năng từ bãi chôn lấp và sản xuất nhiên liệu từ khí nén thiên nhiên phục vụ cho phương tiện vận chuyển rác không xả khói gây ô nhiễm môi trường và sản xuất phân compost.
Với đề xuất này, theo ông David Dương, VWS sẽ dùng rác hỗn hợp, có nhiều tạp chất chưa qua phân loại để đốt, sản xuất các sản phẩm với công suất 1000-1500 tấn/ngày. “Phần chôn lấp khi xử lý công nghệ này chỉ còn dưới 5%”- ông David Dương nhận định.
Vận chuyển rác bằng xà lan
Theo ông David Dương, các chuyên gia cũng sẽ thiết kế khu vực xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ Đa Phước về khu Công nghệ môi trường xanh Long An bằng xà lan chuyên dụng để xử lý sau năm 2020. Theo dự kiến, VWS cũng sẽ thiết kế các ô chôn lấp trong bãi rác Đa Phước thành một khu thể thao phức hợp bao gồm sân golf, sân tenis, sân bóng, công viên sinh thái…nâng cao giá trị khu vực và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân thành phố sau năm 2020. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 2/12 vừa qua, đại diện của VWS cũng cam kết sẽ khởi công xây dựng bến thủy nội địa và khu sản xuất năng lượng từ chất thải trong vòng 16 tháng sau khi có ý kiến từ TPHCM.
Nhà máy ép rác vào container để đưa xà lan vận chuyển về Khu công nghệ môi trường xanh Long An.
Ông David Dương cho rằng hiện tại dự án Môi trường xanh Long An đã hoàn tất dự án cầu và đường vào VWS1. “Hiện chúng tôi đang tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng, đường vào cầu, hệ thống cấp điện nội bộ. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành xây dựng đường và cầu vào VWS2 để sẵn sàng lắp đặt các thiết bị và nhà máy xử lý rác, sản xuất các sản phẩm từ năm 2020”- ông David Dương thông tin.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ chấp thuận chủ trương về mặt ý tưởng thay đổi công nghệ của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước mà VWS đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, chủ đầu tư phải có thuyết minh, giải trình rõ ràng nội dung công nghệ, công suất xử lý , phân kỳ đầu tư, giá thành xử lý sau đó gửi trình lại UBND TPHCM và các sở ban ngành chức năng để xem xét, thương lượng. “Tôi đề nghị chủ đầu tư nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”- ông Phong yêu cầu.
Nhiều lợi ích từ đốt rác
Với sứ mệnh nâng cao chất lượng sống của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng; tăng cường phát triển hệ sinh thái và kinh tế, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên…hơn 10 năm có mặt tại TPHCM, VWS đã luôn làm theo sứ mệnh ấy. Tuy nhiên, theo VWS để đáp ứng ngày càng cao và thích nghi với môi trường tại thành phố hơn 10 triệu dân này, mới đây VWS đã trình với lãnh đạo TPHCM nhiều kế hoạch.
Khu vui chơi giải trí sau khi Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đóng bãi.
Theo đó, VWS sẽ triển khai sản xuất năng lượng từ chất thải, với quy trình kết hợp từ nhiên liệu tái tạo CNG (khí nén thiên nhiên) và điện năng để mang lại lợi ích cho người dân. Điều này theo ông David Dương không chỉ đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, cải thiện môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế. Theo ông David Dương từ khí nén thiên nhiên sẽ giúp cho xe tải chạy êm hơn và nhanh hơn và bền hơn, giảm khí thải và khí nhà kính. Trong khi đó, một lượng lớn rác được tái chế làm phân bón sẽ giúp cho ngành nông nghiệp gia tăng sản lượng và an toàn cho sức khoẻ bên cạnh cải thiện đất đai tốt hơn, an toàn và nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Gia Phú