VWS chủ động đề xuất đầu tư giải pháp công nghệ xử lý rác thải mới

Cuối tuần qua, lãnh đạo Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã chủ động đề xuất buổi làm việc với UBND TP.HCM để đệ trình phương án đầu tư giải pháp, công nghệ mới cho việc xử lý chất thải.

Chủ động đầu tư công nghệ mới

Báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của TP.HCM, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VWS cho biết: Khẩn trương thực hiện Công văn số 5360/UBND – ĐT ngày 28/9/2016 của UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, VWS đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tốt hơn việc kiểm soát mùi tại 2 địa điểm theo đề nghị của Thành phố là khu vực đang tiếp nhận rác và hồ chứa nước rỉ rác trong Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (KLH Đa Phước). Đồng thời, để giải quyết triệt để và hướng đến phát triển bền vững VWS đã mời 3 đoàn chuyên gia độc lập của Hoa Kỳ sang Việt Nam thực hiện khảo sát, nghiên cứu theo 3 chủ đề chính. Đoàn chuyên gia thứ nhất sẽ làm việc tại KLH Đa Phước để kiểm tra và đánh giá tất cả các thiết bị và công thức thực hiện khử mùi tại Dự án.


Mô hình áp dụng và đầu tư các công nghệ mới hiện nay và sau năm 2020 tại khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Đoàn chuyên gia thứ hai sẽ tiến hành khảo sát tuyến đường đi và hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải của các xe tải chở rác, vị trí các trạm trung chuyển, qua đó đánh giá và có ý kiến đóng góp về các điểm hạn chế cần cải thiện, nâng cấp của các phương tiện vận chuyển rác nếu cần thiết.

Đoàn chuyên gia thứ ba sẽ thực hiện khảo sát thực địa và tình hình hoạt động tại khu vực Dự án KLH Đa Phước để tiến hành chọn địa điểm trong khu vực dự án và qua đó kiến nghị Thành phố cho phép VWS được đầu tư theo yêu cầu của Thành phố là thay đổi một phần công nghệ để giảm bớt phần rác chôn lấp theo hướng lắp đặt thêm một lò công nghệ đốt rác, sản xuất điện năng từ khí bãi chôn lấp và sản xuất nhiên liệu khí nén thiên nhiên (Compressed Natural Gas – CNG) phục vụ cho các phương tiện vận chuyển rác không xả khói gây ô nhiễm môi trường, sản xuất phân compost…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông David Dương chia sẻ: “Với nhận thức mang lại lợi ích tốt nhất cho quê hương, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và đảm bảo môi trường sống, VWS dự kiến sẽ xử lý rác hỗn hợp để tiến hành đốt, sản xuất các sản phẩm với công suất 1.000 – 1.500 tấn/ngày. Những phần không thực hiện đốt được khoảng 5%, VWS mới thực hiện chôn lấp”. Cũng nhân chuyến khảo sát này, các chuyên gia sẽ tiến hành nghiên cứu thiết kế khu vực dự kiến xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ KLH Đa Phước về Khu Công nghệ môi trường xanh – Long An bằng xà lan khép kín chuyên dụng để xử lý sau năm 2020, đảm bảo không ô nhiễm cho môi trường.


Mô hình nhà máy xử lý rác hỗn hợp công suất 2000 tấn/ngày do VWS đề xuất.

VWS cũng sẽ thiết kế toàn bộ lại khu vực các ô chôn lấp rác trong Dự án KLH Đa Phước hiện nay trở thành một khu thể thao phức hợp bao gồm: sân tập golf, sân tennis, sân banh, công viên sinh thái, hồ bơi… nhằm nâng cao giá trị khu vực và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân TP.HCM đúng theo mô hình phát triển ban đầu của Dự án sau năm 2020.

Bày tỏ sự hài lòng với phương án của VWS, trong phần phát biểu kết luận tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Thành phố chấp thuận chủ trương về mặt ý tưởng thay đổi công nghệ của KLH Đa Phước, nhưng chủ đầu tư phải có thuyết minh, giải trình rõ ràng nội dung công nghệ; công suất xử lý; phân kỳ đầu tư; giá thành xử lý sau đó trình lại UBND TP.HCM và các sở ngành chức năng để xem xét, thương lượng. Ngoài ra, chủ đầu tư nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cho Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”.

Ngay sau khi nhận thông tin, trong trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư, ông David Dương nói: “VWS sẽ thực hiện ngay các yêu cầu của lãnh đạo Thành phố. Ngay sau khi được Thành phố chấp thuận chủ trương, VWS sẽ triển khai đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác hỗn hợp với công suất 2.000 tấn/ngày tại KLH Đa Phước để đốt, sản xuất các sản phẩm với tỷ lệ chôn lấp chỉ còn khoảng 5%. Nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong vòng 16 tháng. Công nghệ được áp dụng tại nhà máy này cũng sẽ được áp dụng tại Khu Công nghệ môi trường xanh – Long An”.

VWS đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghệ môi trường xanh – Long An

Chia sẻ tiến độ triển khai dự án Khu công nghệ môi trường xanh – Long An, ông David Dương cho biết, trên thực tế khoảng thời gian 4 năm từ nay đến năm 2020 sẽ trôi qua rất nhanh. Trong khi đó, để công tác đầu tư, xây dựng, tiếp nhận và xử lý chất thải tại Khu công nghệ môi trường xanh – Long An đạt hiệu quả tốt, không gây trở ngại và chậm trế tiến độ, VWS rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi từ các ban ngành liên quan.

Trước mắt, điều băn khoăn nhất của lãnh đạo VWS là triển khai đầu tư các trạm trung chuyển tại TP.HCM. “Qua khảo sát, vận chuyển bằng đường sông là phương án tối ưu. VWS cũng chủ động tìm kiếm và chuẩn bị đầu tư hệ thống xà lan với các container vận chuyển chuyên biệt theo công nghệ hiện đại của thế giới. Đồng thời, VWS cũng đầu tư công nghệ hiện đại xử lý rác bước đầu tại các trạm trung chuyển”, ông David Dương cho biết.

Trước mắt, VWS sẽ làm việc ngay với các cơ quan chức năng của TP.HCM để trình bày công nghệ mới về xử lý rác và bàn bạc các địa điểm được chọn để xây dựng trạm trung chuyển bằng xà lan, lựa chọn và thiết kế các loại xà lan và loại thùng chứa rác khép kín phù hợp. “Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, các trạm trung chuyển này cũng phải được thiết kế ngay từ bây giờ, nhưng chúng tôi vẫn chưa được thông báo về địa điểm”, ông David Dương cho biết.

Do vậy, VWS đã đề nghị lãnh đạo TP.HCM cho biết chủ trương của Thành phố trong việc quyết định giao số lượng rác cụ thể cho Khu Công nghệ môi trường xanh Long An xử lý. Qua đó, VWS sẽ dự toán phương án tối ưu để thống nhất với Thành phố lựa chọn công nghệ phù hợp và ấn định giá cả hợp lý, tổng mức đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn tiếp theo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về tiến độ triển khai dự án này, ông David Dương cho biết: “VWS đã hoàn tất công trình Cầu và đường vào VWS1 và đang chuẩn bị xây dựng thêm Cầu và đường vào VWS2 để sẵn sàng lắp đặt các thiết bị và nhà máy xử lý rác, sản xuất các sản phẩm vào năm 2020.

“Sứ mệnh của VWS là cải thiện vệ sinh môi trường và sức khoẻ cộng đồng; cải thiện công tác bảo vệ môi trường; tăng cường phát triển hệ sinh thái và kinh tế và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên. Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này”, ông David Dương chia sẻ.

Khu Công nghệ môi trường xanh Long An được hưởng ưu đãi đầu tư

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ưu đãi đầu tư lĩnh vực xã hội hóa dự án có vốn đầu tư nước ngoài đối với Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh của Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam – Long An.

Thông báo nêu rõ, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn là lĩnh vực khuyến khích, thu hút đầu tư. Phó thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh Long An đã chủ động kêu gọi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, nhằm đáp ứng không chỉ nhu cầu của tỉnh Long An mà còn của cả vùng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An, nhà đầu tư và các bộ, ngành liên quan xác định rõ Quy hoạch phân khu chức năng toàn bộ diện tích của Dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất. Trên cơ sở các nội dung được làm rõ nêu trên và ý kiến các cơ quan liên quan, UBND tỉnh Long An hoàn thiện báo cáo Dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2016.

Share
Translate »