Đoàn 26 bác sĩ chuyên khoa 2 lớp quản lý y tế đã có chuyến khảo sát thực tế về quy trình xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Sáng nay 17/6/2020, đoàn 26 bác sĩ chuyên khoa 2 lớp quản lý y tế thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có chuyến khảo sát thực tế về quy trình xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Ông Kevin Moore giám đốc điều hành Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước giới thiệu về quy mô và công nghệ xử lý của VWS
Tại buổi làm việc, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành đã chia sẻ “Tôi rất vui mừng được đón đoàn bác sĩ thăm và làm việc tại VWS. Xin được chia sẻ, tôi đã rất hạnh phúc khi được sống và làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid vừa qua. Nỗ lực của Chính phủ và các bác sĩ Việt Nam đã giúp xây dựng một Việt Nam an toàn cho tất cả mọi người”.
Giới thiệu về VWS, ông Kevin Moore cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước bắt đầu vận hành từ năm 2007 theo Hợp đồng tiến nhận xử lý rác sinh hoạt cho TP.HCM với công suất 3.000 tấn tác/ngày. Tuy nhiên đến năm 2015, Chính quyền TP.HCM đã yêu cầu VWS tiếp nhận và xử lý lên đến 6.000 tấn rác/ngày và duy trì cho đến nay.
Lượng rác VWS xử lý tương đương 80% tổng lượng rác của toàn Thành phố
Quy trình xử lý của VWS được xây dựng để tái chế và sản xuất phân compost. Tuy nhiên khi VWS hoàn tất đầu tư các công đoạn này thì đến nay chỉ có hạng mục sản xuất phân Compost là vẫn duy trì hoạt động với công suất tối đa 100-150 tấn phân compost/ngày. Còn dây chuyền tái chế thì không hoạt động do Thành phố chưa thực hiện phân loại, nên chưa giao được rác đã phân loại để VWS vận hành dây chuyền này, đây là điều rất đáng tiếc.
Đoàn 26 bác sĩ khảo sát thực địa tại khu chôn lấp của VWS
Cũng theo yêu cầu của Thành phố về đổi mới công nghệ, VWS đã hoàn tất việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và hoàn tất đề án chuyển đổi theo đúng tính chất đặc thù của rác TP.HCM cũng như đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Thành phố. “Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của Covid-19 nên lãnh đạo chúng tôi vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của TP.HCM để triển khai dự án. Nếu được đầu tư và đi vào hoạt động, dây chuyền mới sẽ hạn chế tối đa san lấp, xử lý rác thành điện năng và sản xuất nhiều chế phẩm từ phân compost, CNG… đáp ứng các yêu cầu sử dụng khác nhau” ông Kevin Moore cho biết thêm.
Chia sẻ về thách thức lớn nhất hiện nay VWS đang phải đối mặt là xử lý mùi hôi, bình quân có ít nhất khoảng 600 xe rác lên bãi/ngày nên việc phát sinh mùi nội khu là việc tất yếu nhưng “VWS đang nỗ lực nghiên cứu sử dụng các giải pháp sinh học để xử lý mà không gây nguy hại môi trường. Tất cả các hoạt động xử lý của VWS đều đặt dưới sự giám sát 24/24 của các chuyên gia thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM”. ông Kevin Moore nhấn mạnh.
Đoàn BS tham quan công nghệ xử lý nước của VWS
TS-BS Lê Văn Nhân-Giảng viên hướng dẫn đoàn Bác sĩ thuộc Khoa Sức khỏe Môi trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, lớp quản lý bệnh viện gồm 26 bác sĩ đều đang đảm nhiệm vai trò quản lý tại các bệnh viện đầu ngành trong mạng lưới y tế của TP.HCM. “Mục tiêu của chuyến khảo sát là để các bác sĩ nắm về quy trình xử lý rác sinh hoạt của VWS-Một trong những khu xử lý có công nghệ hiện đại và sạch nhất hiện nay tại Việt Nam. Thông qua khảo sát thực tế, các bác sĩ sẽ có thêm thông tin thực tế để góp phần tuyên truyền cho người dân và nhân viên y tế trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường”.