Mong muốn góp một phần công sức cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh

(VOH) – Ông David Dương và VWS mong muốn đóng góp một phần công sức, cùng cả nước sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

David Dương là một doanh nhân thành công trong trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một Việt kiều có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Hoa Kỳ và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đặt tại huyện Bình Chánh, TPHCM vừa có buổi trò chuyện trực tuyến với báo chí từ Thành phố Oakland, bang California (Mỹ).

Ông David Dương

*VOH: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xử lý rác thải của VWS tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được thực hiện như thế nào?

– Ông David Dương: Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi ngày lượng rác thải chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước giảm 2.000 tấn còn khoảng 4.000 tấn, công việc sẽ ít hơn nhưng VWS vẫn giữ nguyên đội ngũ công nhân viên đang làm việc. Bởi vì trong thời kỳ bệnh mà họ vẫn chấp nhận rời xa gia đình để gắng bó với công ty, với thành phố để xử lý rác. Trong tình hình khó khăn, chúng tôi vẫn phải cố gắng tổ chức sản xuất, bố trí ca, kíp phù hợp, bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch.

*VOH: Công tác chăm lo cho người lao động được thực hiện như thế nào?

– Ông David Dương: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, VWS hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, chuyên gia, nhân viên và công nhân trực tiếp xử lý rác đều được chúng tôi bố trí lo chỗ ăn, ở tại văn phòng công ty và nhà máy; nghiêm túc thực hiện quy định về phòng chống dịch. Bên cạnh đó, ngoài việc nhận lương hàng tháng, VWS còn hỗ thêm 300.000 đồng/ngày cho những công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, để giúp họ yên tâm công tác, vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Hiện tất cả công nhân viên đã được tiêm 1 mũi vaccine.

Mỗi tuần công ty thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân viên. Tài xế giao rác, vật liệu xây dựng khi vào nhà máy chỉ giao rác, hàng hóa và không được tiếp xúc với nhân viên trong nhà máy. Mỗi công nhân được trang bị bảo hộ đầy đủ từ khẩu trang, găng tay, thuốc khử khuẩn. Ngoài ra, công ty còn mua thêm thuốc bổ, tăng đề kháng cho công nhân trực tiếp sản xuất để có sức khỏe thật tốt trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội và làm việc an toàn…

Nhân viên VWS đang làm việc tại Bình Chánh.

*VOH: Trước khó khăn do dịch Covid-19, VWS có đóng góp hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở địa phương?

– Ông David Dương: VWS đóng trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Thời gian qua, VWS thường xuyên hỗ trợ địa phương nhu yếu phẩm; Tài trợ nhiều trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 như tặng 3.600 que test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, xuất xứ Hàn Quốc cho MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng với tổng số tiền 554 triệu đồng; Tài trợ khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch Covid-19 cho một số cơ quan truyền thông tuyến đầu chống dịch. VWS cũng dự kiến tặng một chiếc xe cho địa phương hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 đi cấp cứu, điều trị.

*VOH: Tại Hoa kỳ, trong lúc dịch bệnh Covid-19, người lao động được chăm lo như thế nào?

Ông David Dương: Người lao động luôn được trang bị những công cụ cần thiết để phòng ngừa bệnh dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng như khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, bao tay, dung dịch khử khuẩn. Những ai có biểu hiện như sốt, ho, khó thở liền được đưa đi kiểm tra, nếu phát hiện dương tính với những biểu hiện nặng sẽ được đưa vào bệnh viện. Những trường hợp nhẹ sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Sau đó kiểm tra lại, nếu bình thường họ sẽ trở lại làm việc. Trong thời gian đầu dịch bệnh, người lao động có tâm lý lo lắng nên nghỉ việc nhiều dẫn đến thiếu hụt lao động. Tuy nhiên thời gian về sau, những người bị nhiễm, sau khi khỏi bệnh đã trở lại làm việc sau sau 14 ngày cách ly. Điều đó đã giúp cho những người lao động khác tự tin hơn khi trở lại công ty làm việc.

*VOH: Được biết CWS vừa tái ký hợp đồng thu gom và xử lý chất thải với thành phố San Jose bang California, ông cho biết thêm về hợp đồng này?

– Ông David Dương: Hợp đồng cũ hết hạn vào ngày 30-6, đầu tháng 7 CWS tái ký hợp đồng với thành phố San Jose, hợp đồng có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. Đối với hợp đồng cũ, ngoài việc thu gom rác, mỗi tháng người dân được Công ty CWS đến thu gom miễn phí 2 lần, mỗi lần 3 món đồ cồng kềnh như giường, ghế đệm, tủ lạnh…

Nhưng đối với hợp đồng mới, Công ty CWS không giới hạn số lượng, số lần thu gom rác cồng kềnh của người dân thải bỏ trong tháng. Việc thu gom toàn bộ rác cồng kềnh giúp hạn chế việc người dân xả thải loại rác này ra ngoài đường. Một số điểm mới khác trong hợp đồng, toàn bộ xe thu gom rác sẽ được thay bằng xe chạy nhiên liệu sạch và thành phố sẽ chịu trách nhiệm trong công tác phân loại rác tại nguồn.

Dàn xe thu gom rác tái chế tại 2 TP San Jose và Oakland của CWS tại Hoa Kỳ.

*VOH: Còn hợp đồng đối với thành phố Oakland hiện nay được thực hiện như thế nào?

– Ông David Dương: CWS đã ký hợp đồng 20 năm với Thành phố Oakland vào năm 2015, 2016 chính thức đi vào hoạt động. Hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện thành phố Oakland thương lượng với CWS để gia hạn thêm 10 năm và bổ sung thêm một số hạng mục thu gom. CWS vừa mới mua miếng đất 14 héc ta tại cầu cảng của thành phố Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Tất cả các thủ tục giấy phép đã được thành phố Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm.

Với điều kiện bình thường, nhà máy này sẽ xây dựng trong khoảng 1 năm. Nhưng hiện nay do tình hình dịch bệnh, các nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm, đội ngũ nhà thầu thi công cũng đang thiếu hụt nên thời gian xây dựng dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi. Với lợi thế về vị trí ngay cầu cảng thành phố Oakland, các sản phẩm từ rác sau khi được phân loại sẽ được đóng kiện để vận chuyển đi các nơi rất thuận tiện.

*VOH: Ông còn điều gì muốn chia sẻ thêm?

– Ông David Dương: Tôi xin chia sẻ thêm, trong thời gian qua, tôi trực tiếp đi vận động, đến văn phòng của các thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ để tác động việc mua vắc-xin dành tặng cho Việt Nam. Tôi cũng vận động một số doanh nhân tại Mỹ để cùng chung tay góp sức.

Ngoài ra, tôi cũng đàm phán, ký hợp đồng ghi nhớ và đang đi vào các chi tiết của hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin với một nhà cung cấp vắc-xin của Mỹ. Chúng tôi đang tìm nhà sản xuất tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển giao công nghệ này. Quy trình, thủ tục chuyển giao công nghệ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, quy định pháp luật của nước chuyển giao và nước tiếp nhận. Nếu mọi việc được thuận lợi, tôi tin Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vắc-xin Mỹ được sản xuất ngay tại Việt Nam. Tôi cũng đang tiến hành mua 100 máy trợ thở, thương lượng mua 1.000 máy tạo oxy có thể sử dụng trên xe cấp cứu, hoặc tại gia đình để khi người dân bị khó thở có thể sử dụng tại nhà, những trường hợp nhẹ không cần phải vào bệnh viện gửi về nước tặng. Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần công sức mình, cùng cả nước sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

*VOH: Cám ơn ông

Song Nguyễn

Share
Translate »