David Dương: ‘Dù ở đâu, đã là con Rồng cháu Tiên, phải yêu giống nòi’

Bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông và gia đình đã tạo dựng được vị thế ngang hàng cùng các đại gia trong ngành thu gom xử lý rác thải ở Mỹ và có những đóng góp không nhỏ cho quê hương…

Ông David Dương – CT HĐQT kiêm TGĐ CWS và VWS.

Từ người lượm ve chai đến “tỉ phú rác” tại Mỹ

Để có được thành công như ngày hôm nay, ông đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân với rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Những năm 1970, gia đình ông sở hữu hãng giấy Cogido nổi tiếng ở Sài Gòn. Cuối những năm 1980, cậu thanh niên 18 tuổi cùng gia đình sang định cư ở San Francisco (Mỹ).

Thời gian đầu, gia đình ông khởi nghiệp bằng nghề lượm ve chai. Từ vị trí “cậu ấm” của ông chủ Dương Tài Thu, hàng ngày sau khi tan học ông phải đi lượm ve chai ở các khu trung tâm mang về bán. Nhớ lại những ngày khó khăn ấy ông ngậm ngùi: “Đến Mỹ, nơi hoàn toàn xa lạ, lạc lõng, không vốn ngoại ngữ, cha mẹ dạy chúng tôi không dành dụm lúc đầu thì không sung túc về sau, nên tôi cùng với mấy anh em đã đi lượm ve chai để bán kiếm sống. Chúng tôi rong ruổi trên tuyến xe buýt số 16 đi khắp thành phố San Francisco, tiếp cận và làm quen với “dân ve chai”. Gia đình phải rất tằn tiện, để hi vọng mở rộng kinh doanh”. Song là tuýp người ưa thử thách, luôn sẵn sàng đón nhận và đương đầu với khó khăn, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.”

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, việc lượm ve chai của gia đình ông đã ngày càng khởi sắc từ sắm được chiếc xe tải cũ chuyên chở đầu tiên chỉ có 700 USD, đã lên 11 chiếc… Năm 1983, gia đình mở cơ sở thu gom và tái chế rác thải ra nhiều thành phố Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa… Năm 1992, David Dương thành lập công ty chuyên về thu gom xử lý môi trường California Waste Solutions (CWS). Ông xây dựng 3 nhà máy với chi phí khoảng 250 triệu USD và tiếp tục đầu tư 3 nhà máy mới với tổng vốn khoảng 360 triệu USD.

Tháng 5/2015, sự kiện gây chấn động ở Mỹ và cả Việt Nam là công ty của David Dương đã đánh bại “gã khổng lồ” Waste Management, một công ty xử lý chất thải lớn nhất nước Mỹ (có chi nhánh trên 50 tiểu bang và các quốc gia khắp thế giới) để đem về hợp đồng trên 1 tỷ USD từ thành phố Oakland. Sản phẩm tái chế được công ty xuất khẩu sang Ấn Ðộ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines… Hiện CWS nằm trong Top 31/100 ở Mỹ.

Ngày 1/7/2021, CWS đã ký lại hợp đồng mới thu gom rác với thành phố San Jose, có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. “Nhìn lại hành trình đấu tranh vừa qua, tôi cho đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, hết sức quyết liệt. Nhưng, với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường, CWS đã vượt qua được khó khăn một cách ngoạn mục và giành thắng lợi về phía mình”, ông David Dương chia sẻ.

Sau hơn 30 năm, từ người lượm ve chai, David Dương đã xây dựng thành công “đế chế” của mình và được gọi là “Vua rác, Tỉ phú rác” ở Mỹ. Ông còn từng đảm nhiệm các vị trí là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại thung lũng Silicon, Ủy viên Hội Doanh thương quốc tế Thành phố Oakland, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA); Thành viên Hiệp hội Thương mại châu Á – Thái Bình Dương Sacramento. Ông cũng vinh dự được Tổng thống Mỹ Obama bổ nhiệm là Ủy viên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Hướng về cội nguồn

Dù xa xứ, ông David Dương vẫn luôn đau đáu nhớ và khát khao được cống hiến cho quê hương. Ông luôn tâm niệm, dù ở đâu, là con Rồng cháu Tiên, phải yêu giống nòi. Ðó là lý do năm 2003, ông đầu tư vào lĩnh vực xử lý môi trường theo lời mời của lãnh đạo UBND TP. HCM khi thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức về việc xử lý rác thải.

Nhờ chính sách thông thoáng của Chính phủ Việt Nam cho những kiều bào về quê hương đầu tư, đến năm 2005, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) 100% vốn nước ngoài (trên 150 triệu USD) do ông David Dương làm Chủ tịch, đã được thành lập và đi vào hoạt động tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khu Liên hợp xử lý Chất thải Ða Phước đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Quan trọng nhất là TP. HCM, đã có một khu xử lý rác hiện đại được xây dựng, vận hành theo quy định và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe của bang California (US EPA – United States Environmental Protection Agency) với công suất 10.000 tấn rác ngày. Mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác, vừa bằng phương pháp chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn công nghệ cao, mà còn tạo ra nhiều lợi ích vì sau khi xử lý, một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ từ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại được tái sử dụng trong sinh hoạt. Ðặc biệt, một nhà máy phát điện với công suất 12MW từ rác, cũng sẽ được công ty vận hành và hòa vào điện lưới quốc gia.

Trách nhiệm với cộng đồng

Thế giới đang phải đối diện với nhiều biến động, do tác động xấu từ dịch bệnh Covid -19 và thảm họa thiên nhiên. Hai công ty CWS và VWS của ông David Dương, không phải là ngoại lệ, song vẫn chủ động thích nghi với hoàn cảnh, luôn đồng hành và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Ông David Dương rất đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát do dịch Covid-19 và đợt bão lũ ở miền Trung Việt Nam. Chính vì vậy, ông đã cùng công ty của mình có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương.

Khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid-19 cũng là lúc các trang thiết bị y tế thiếu hụt trầm trọng, nhất là khẩu trang. CWS đã tặng 40.000 khẩu trang y tế N95. Ngoài ra, công ty còn đặt thêm 80.000 khẩu trang vải và 1,5 triệu khẩu trang y tế từ Việt Nam để tặng cho người dân Mỹ. Tháng 4/2020, ông David Dương đã ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco. Tại Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn…, VWS cũng đã ủng hộ 200 triệu đồng. Tháng 11/2020, ông David Dương đã trao tặng 120.000 USD cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco hỗ trợ bà con miền Trung gặp khó khăn trong mùa bão lũ. Cũng tại buổi lễ, Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) do ông David Dương làm Chủ tịch cũng trao tặng 51.000 USD.

Trong bối cảnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam phải đối diện với đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ 4, ông David Dương đang tìm nhiều cách để đưa vaccine về nước và đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Mỹ đồng ý chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Hiện ông đang tìm nhà sản xuất trong nước có đủ năng lực và công nghệ có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu mọi việc được thuận lợi, trong nước sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Mỹ ngay tại Việt Nam.

Ngoài ra, Công ty VWS cũng tài trợ nhiều trang thiết bị y tế như: khẩu trang N95, quần áo chống dịch Covid-19 cho một số địa phương và cơ quan truyền thông. Ngày 16/7, VWS tặng 3.600 bộ test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (trị giá 554 triệu đồng) cho Bến Tre và Đồng Tháp… và dự kiến tặng nhiều phương tiện vận chuyển cho các địa phương.

Ngày 22/8 tại trụ sở công ty California Waste Solutions, Chủ tịch HĐQT David Dương đã trao tặng 250 máy trợ thở tạo khí oxy có tổng trị giá 750.000 USD cho Việt Nam dùng vào việc chữa trị Covid-19, thông qua ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ). Toàn bộ lô hàng này được Vietnam Airlines vận chuyển về Việt Nam vào ngày 23/8/2021.

Nói về những việc làm của mình, ông David Dương bày tỏ: “Tôi luôn tâm niệm mình là người Việt, yêu nước Việt, dù sống xa quê hương nhưng tôi cùng gia đình luôn thấy phải có trách nhiệm đóng góp, dù là công sức nhỏ bé cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”

HÀ PHƯƠNG

Share
Translate »