Trong một buổi trò chuyện trực tuyến mới đây, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions và Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) đã nói một câu giản dị mà rất ấn tượng: “Đợt đầu VN chống dịch Covid-19 rất tốt, tôi mừng hết lớn. Đợt này, dịch bùng phát trở lại dữ dội và kéo dài thì tôi lại mất ăn mất ngủ vì nghĩ tới đồng bào mình ở quê nhà”.
Ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ CWS và VWS
Thật sự người đàn ông được mệnh danh là “vua rác” này nhiều năm qua đã luôn đau đáu trong lòng hai tiếng quê hương. Trong chuyện đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhiều lần ông David Dương thổ lộ đầu tư trong lĩnh vực này ở VN trước tiên không phải vì lợi nhuận mà vì muốn đem lại những điều tốt đẹp cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Và khi mảnh đất chôn nhau cắt rốn ấy đang “trở bệnh”, doanh nhân Việt Kiều này nói rằng “mình rất xót ruột”.
Hành động tức thì
Không phải nói cho có, ông David Dương đã làm bằng những việc làm cụ thể. Được biết, tháng 4.2020, ông David Dương ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Lãnh sự VN ở San Francisco (Mỹ). Tại VN, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn… Các đợt dịch Covid-19 trước, VN khống chế thành công hơn cả mong đợi, “vua rác” từng nói với các phóng viên VN rằng ông vui mừng, tự hào và coi đó như “kỳ tích”.
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 chủng mới bùng phát mạnh tại quê nhà đợt thứ 4, ông biết phải hành động mạnh mẽ và đóng góp thiết thực hơn để góp phần cùng Chính phủ và nhân dân chống dịch. Cụ thể, ngày 22.8.2021 tại trụ sở Công ty California Waste Solutions (Mỹ), ông David Dương đã trao tặng cho ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng Lãnh sự quán VN tại San Francisco 250 máy trợ thở ô xy. Tổng trị giá 250 máy trợ thở ô xy là 750.000 USD. Toàn bộ lô hàng này đã được Vietnam Airlines vận chuyển về VN vào ngày 24.8.2021. Các máy trợ thở này do Mỹ sản xuất, dễ sử dụng, chỉ cần cắm điện vào là dùng ngay, an toàn cho người lớn và trẻ em, có thể trang bị cho các bệnh viện, bệnh viện dã chiến hoặc người bệnh cần ngay máy trợ thở trước khi bệnh chuyển biến nặng hoặc bệnh nhân vừa trải qua nguy kịch nhưng vẫn cần máy trợ thở. “Chúng tôi xin được trao tặng 250 máy trợ thở này với tấm lòng nhân đạo, sự sẻ chia tình yêu thương với quê hương và nghĩa đồng bào của gia đình chúng tôi, với mong muốn được góp phần có thêm máy trợ thở trong lúc đang cấp bách cần cho các bệnh viện để chữa trị cho người dân…”, đây là một phần trong bức thư của ông David Dương gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 18.8.2021.
Ông David Dương trao tặng 250 máy trợ thở cho ông Nguyễn Trác Toàn
Tiếp theo đó, ngày 28.8, đại diện Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) đã thay mặt ông David Dương trao nhiều vật tư y tế chống dịch cho một số quận, huyện ở TP.HCM. Số vật tư y tế nói trên gồm 40.000 khẩu trang N95, 1.200 bộ quần áo chống dịch Covid-19, có tổng trị giá 579 triệu đồng được tặng Quận ủy quận 1, Huyện ủy huyện Bình Chánh và UBND xã Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ngoài ra, VWS còn hỗ trợ 2 tấn gạo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và hàng trăm thùng nước suối cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của xã Đa Phước. Đây là chương trình tiếp nối chuỗi hoạt động hướng về quê hương của ông David Dương, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi hỗ trợ cho quê hương phòng chống dịch Covid-19.
Nỗ lực để sản xuất vắc xin Mỹ tại VN
Chúng tôi nghe một tin rất vui là ông David Dương đang tìm nhiều cách để vắc xin Mỹ được sản xuất tại VN. Qua cuộc trò chuyện trực tuyến mới đây, ông Dương cho biết: Các nước đang chạy đua để mua vắc xin ngừa Covid-19 của Mỹ. Hiện nay, ở Mỹ vắc xin này đang dư thừa nhưng họ đang xét duyệt cung cấp cho những nước thật cần và là đồng minh thân cận. Trong khi, Mỹ đang dần trở lại bình thường các hoạt động trên toàn quốc thì VN đang đang gồng mình ngăn chặn dịch Covid-19 chủng mới bùng phát. Vì thế, ông phải nỗ lực để làm điều gì đó cho quê hương. Nỗ lực này được ông David Dương chia sẻ: “Trong một ngày tôi có mặt và làm việc ở hai bờ Đông và Tây của đất nước Hoa Kỳ. Sáng ở Las Vegas bờ Tây tìm hiểu công nghệ mới ngành xử lý rác thải cho Công ty CWS tại Mỹ. Chiều ở thủ phủ Washington DC bờ Đông để gặp các giới chức chính quyền liên bang lo về vắc xin. Trong những tháng qua tôi đã tìm nhiều cách để đưa vắc xin về VN nhưng không được. Nhìn xa hơn, tôi nghĩ dịch bệnh còn có thể kéo dài. Do đó, nếu chúng ta chủ động sản xuất được vắc xin sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo được miễn dịch trong cộng đồng”.
Dàn xe thu gom rác của California Waste Solutions tại Mỹ
Cũng theo ông David Dương, với những biến thể vi rút mới liên tục xuất hiện, thì vắc xin cũng phải liên tục được cập nhật theo công thức phù hợp với những biến thể mới. Ở Mỹ các nhà nghiên cứu về vắc xin cho rằng, về lâu dài vắc xin phòng chống vi rút Covid-19 có thể sẽ được tiêm chủng hằng năm giống như phòng ngừa dịch cúm. Từ nhận định đó, doanh nhân Việt kiều này quyết tâm đi tìm nhà sản xuất vắc xin tại Mỹ để thuyết phục họ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 tại VN. Theo chúng tôi tìm hiểu, một nhà sản xuất vắc xin tại Mỹ đã đồng ý với ông David Dương sẽ chuyển giao công nghệ về VN sản xuất. “Việc tiếp theo là tìm nhà sản xuất trong nước đã có dây chuyền công nghệ sản xuất vắc xin tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19. Khi nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, cũng đồng nghĩa với việc họ có trách nhiệm nghiên cứu thường xuyên để cung cấp công thức để ngăn ngừa những chủng vi rút mới cho đơn vị nhận công nghệ chuyển giao. Nếu mọi việc được thuận lợi, VN sẽ có công nghệ sản xuất vắc xin của Mỹ được sản xuất ngay tại VN”, ông David Dương hy vọng.
ÔNG DAVID DƯƠNG THẮNG LỚN TẠI MỸ
Ngày 1.7.2021, Công ty California Waste Solutions (CWS) của ông David Dương đã được phép ký lại hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose (Mỹ) có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỉ USD. CWS cũng vừa mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland (Mỹ) để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Tất cả các thủ tục giấy phép đã được thành phố Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm. Với lợi thế về vị trí ngay cầu cảng thành phố Oakland, các sản phẩm từ rác sau khi được phân loại sẽ được đóng kiện để vận chuyển đi các nơi rất thuận tiện.
Thiên Thảo