Cuộc gặp đặc biệt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại New York

“3 năm trước, cũng tại căn phòng này, Chủ tịch nước khi đó là Thủ tướng đã gặp cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhưng cuộc gặp lần này rất đặc biệt”, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.

Trong lịch trình đầy bận rộn khi tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 tại New York, chiều tối 22/9 giờ New York (sáng 23/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tranh thủ thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ ngay sau khi vừa kết thúc bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận.

Ngay từ sớm, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã háo hức đến và chờ đợi được gặp gỡ vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam.

Thử thách đại dịch càng chứng tỏ tinh thần người Việt

Khi Chủ tịch nước vừa bước vào, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay. Chủ tịch nước lần lượt chào và bắt tay từng người, dành cho họ những lời hỏi thăm chân tình.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nhắc lại 3 năm trước, cũng chính tại phòng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó trên cương vị Thủ tướng, đã gặp bà con người Việt tại Mỹ. Song ông nói cuộc gặp lần này có ý nghĩa rất đặc biệt.

Điều đặc biệt đầu tiên là dù dịch bệnh tái phát ở Mỹ, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vẫn vượt nửa vòng trái đất mang theo tình cảm ấm áp đến với bà con Việt kiều tại Mỹ. Và dù lịch trình dày đặc, riêng Chủ tịch nước có hơn 60 hoạt động, vẫn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc. Ảnh: Hoài Thu.

Điều đặc biệt thứ 2 là dù có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ toàn diện với nhiều điểm sáng, trong đó có điểm sáng về hợp tác y tế.

“Trong thời kỳ đỉnh cao của dịch tại Mỹ, chúng tôi gọi điện về thì Chủ tịch nước nhấn mạnh chỉ đạo Việt Nam sẽ làm hết sức mình giúp Mỹ. Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam, Chủ tịch nước đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị giúp đỡ. Đáp lại, Mỹ quyết định hỗ trợ Việt Nam 6 triệu liều vaccine Pfizer và 44 triệu USD để chống dịch”, Đại sứ Hà Kim Ngọc thông tin.

Theo ông, thử thách đại dịch càng chứng tỏ tinh thần vươn lên quật cường của người Việt, dù ở Mỹ hay dải đất hình chữ S.

Nhấn mạnh nghĩa quê hương, nghĩa đồng bào, ông cho biết Việt kiều ở Mỹ đã vận động, quyên góp nhiều trang thiết bị y tế, góp vào quỹ vaccine của người Việt cùng góp phần để chính quyền Mỹ hỗ trợ vaccine cho Việt Nam…

Là người Việt có đã thành công tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ, ông David Dương (Chủ tịch Công ty California Waste Solutions), nhắc đến tình cảm máu mủ với quê hương Việt Nam.

Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trong nước, ông cho biết đã có ý định mua vaccine hỗ trợ Việt Nam nhưng mất vài tháng chạy đôn chạy đáo, ông nhận ra chỉ có thể mua vaccine qua nguồn Chính phủ. Vì thế, Việt kiều này đã trao tặng Chính phủ Việt Nam 250 máy tạo oxy trợ thở, giúp F0 điều trị tại nhà và trong bệnh viện dã chiến.

Lần này, ông David Dương cũng trao tặng thêm 1.000 máy tạo oxy trợ thở cho Việt Nam để góp phần vào công tác phòng, chống đại dịch.

Ông David Dương (Chủ tịch Công ty California Waste Solutions) tặng Việt Nam 1.000 máy tạo oxy trợ thở phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đại diện hơn 30.000 thanh niên sinh viên Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Mỹ, chị Mai Phan (Chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ) cho biết Hội đã có nhiều hoạt động hướng về quê hương, quyên góp tiền và thiết bị y tế hỗ trợ cho Việt Nam. Nữ Việt kiều mong muốn sẽ có đóng góp thiết thực hơn giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đợt dịch thứ tư tàn phá nặng nề nhất

Ghi nhận tấm lòng hướng về Tổ quốc, cùng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc Việt Nam đã vượt qua 3 qua đợt dịch nhẹ hơn, ít thiệt hại hơn do chúng ta ứng phó tương đối quyết liệt. Nhưng đợt dịch thứ 4 với sức tàn phá nặng nề từ biến thể Delta là nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, sức khỏe nhân dân, đặc biệt tại TP.HCM.

“Đây là mất mát rất lớn, nhưng là điều không thể tránh khỏi. Sự ứng phó của chính quyền chưa phải là tốt, nhưng phải nói là khó ứng phó được ngay. Tôi không thanh minh cho TP.HCM, nhưng khi biến thể Delta tràn ngập thì những thành phố đông dân cư thiệt hại rất nặng”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh đại dịch nhiều khó khăn. Ảnh: Hoài Thu.

Ông nhận định đây là lần đầu tiên số người tử vong vì dịch cao như vậy, phạm vi không chỉ ở TP.HCM mà hơn 50 tỉnh, thành của cả nước, nhất là miền Tây, Đông Nam Bộ cũng như dọc miền Trung, kể cả thành phố lớn như Hà Nội.

Ở mặt khác, Chủ tịch nước cho rằng khi những chuyện đau lòng xảy ra trên quê hương, sức mạnh của tình đồng bào, dân tộc lại bùng lên mạnh mẽ.

Tuy dịch bệnh khiến giãn cách xã hội kéo dài mấy tháng trời, cuộc sống của bà con khó khăn, nhưng tình trạng người dân đói cơm lạt muối, thiếu điều kiện cơ bản của cuộc sống rất ít vì chúng ta đưa nhiều giải pháp hỗ trợ bà con, nhất là người lao động nghèo.

“Lúc khó khăn như vậy, chúng ta đã đưa hàng nghìn bác sĩ, y tá từ phía bắc cùng lực lượng công an, bộ đội hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong lúc đỉnh điểm của dịch luôn có bàn tay của Nhà nước bên cạnh bà con, hỗ trợ bà con với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bà con hoảng loạn tránh về quê nhưng cũng được quan tâm”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Dù khó khăn, ông khẳng định Việt Nam vẫn ổn định những vấn đề căn bản, không để đứt gãy sản xuất kinh doanh, nông nghiệp được mùa, các mặt khác như đối ngoại, quốc phòng an ninh được tăng cường.

Đó là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp của bà con Việt kiều trên toàn thế giới.

Chủ tịch nước vừa dứt lời, cả hội trường vang lên vỗ tay biểu dương tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc tại Mỹ. Ảnh: Hoài Thu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin đến kiều bào một số điểm mới trong Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Bên cạnh yêu cầu thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận 12 cũng đề ra cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

“Việc tiếp nhận ý kiến đề xuất này rất quan trọng để tiếp thu kiến thức mới của thời đại nhất là ở trung tâm khoa học công nghệ như nước Mỹ”, Chủ tịch nước nói và cho rằng Chính phủ cần rà lại những biện pháp để cho bà con đóng góp được nhiều hơn nữa. Ông dẫn chứng chỉ 5 năm qua, bà con Việt kiều gửi về nước 90 tỷ USD, đó là đóng góp rất lớn.

Chủ tịch nước cũng vui mừng thông báo quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tốt đẹp, đó là quan hệ chiến lược, lâu dài. “Ngay ngày hôm qua đã có vài chục tỷ đôla được ký kết để đầu tư vào Việt Nam với các lĩnh vực khoa học, công nghệ, hạ tầng, năng lượng”, Chủ tịch nước thông tin.

Ông khẳng định quan điểm của Việt Nam tiếp tục coi Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Hoài Thu

Share
Translate »