Doanh nhân David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA): Quê hương luôn trong tim những doanh nhân Việt kiều

Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA) chia sẻ tâm nguyện của mình: “Trước sau như một, tôi sẽ tiếp tục là cầu nối đưa Việt kiều về đầu tư phát triển quê hương”.

Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA); Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS)

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong suốt 2 năm qua, nhưng Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh khá tốt và đang thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất trên thế giới. Có thể nói, kết quả đó có sự đóng góp to lớn từ kiều bào ta ở nước ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi luôn theo dõi thông tin ở quê nhà và được biết, tất cả các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều nỗ lực vận động để tìm kiếm vắc-xin cho đất nước. Hầu hết những chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều kết thúc bằng lễ tiếp nhận vắc-xin, vật tư y tế, tài chính phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Có thể nói, chiến lược ngoại giao vắc-xin là một điểm sáng trong nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch của Việt Nam. Và trong đại dịch mới thấy, người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu cũng đều hướng về quê hương, đất nước, luôn phát huy truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp, nghĩa đồng bào cao quý khi quê hương gặp khó.

Tháng 9/2021, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, ông cùng gia đình đã gửi về nước 1.250 máy trợ thở và thiết bị y tế với giá trị gần 4 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chống dịch. Ông có thể chia sẻ thêm về nghĩa cử cao đẹp đó?

Tôi còn nhớ, thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc-xin. Thông qua các mối quan hệ của mình, tôi tìm cách mua vắc-xin để gửi về tặng. Các cuộc tiếp xúc, vận động đều hướng đến mục tiêu đưa được vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất về nước. Bên cạnh đó, tôi cũng làm việc với các hãng dược lớn của Mỹ để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.

Tuy nhiên, do tất cả các nguồn vắc-xin đều phải thông qua kiểm soát của Chính phủ, nên chúng tôi không thể trực tiếp mang vắc-xin về. Vì vậy, chúng tôi chuyển hướng mua 1.250 máy tạo ô-xy trợ thở trị giá gần 4 triệu USD tặng Chính phủ Việt Nam và TP.HCM, góp phần vào công cuộc chống dịch.

Phối cảnh 3D Dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An

Trong vai trò Chủ tịch VABA, ông đã hỗ trợ cộng đồng doanh nhân Việt kiều như thế nào trong giai đoạn dịch bệnh?

Năm 2021, khi nước Mỹ dần khôi phục nền kinh tế sau khi chịu tác động nặng nề bởi Covid-19, cũng là lúc VABA bắt đầu hoạt động trở lại. Tôi thường xuyên liên hệ với các cấp chính quyền tại Mỹ để giúp doanh nghiệp người Việt bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhận được trợ giúp từ các chương trình tài trợ tài chính cấp chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.

Tôi cũng đã làm việc trực tiếp với sở cảnh sát tại các thành phố San Jose và Oakland (California) về việc bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp Việt kiều trong các khu thương mại.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi giữ cương vị Chủ tịch VABA, ông đã có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nhân Việt kiều ở Mỹ hướng về quê hương và rất tích cực làm cầu nối cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam…

Tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với một số chính trị gia, hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ. Tôi luôn tranh thủ những cuộc làm việc này để quảng bá về cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, vận động hành lang để người Mỹ gốc Việt có cơ hội tham gia vào các chương trình nghị sự của các cấp chính quyền.

Tôi đặt nhiều niềm tin, mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ ngày càng trở nên sâu sắc. Thực tiễn cho thấy, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sôi động và gắn kết tại Mỹ đã góp phần giúp nước Mỹ thêm mạnh mẽ và thịnh vượng. Đã có rất nhiều du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ và cũng có hàng ngàn người Mỹ đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Họ đều giữ vai trò cầu nối văn hóa, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai nước.

Vừa qua, tôi được mời tham dự 2 sự kiện. Đó là buổi gặp gỡ với kiều bào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước vào tháng 9/2021 và sự kiện khai trương đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, tại sân bay quốc tế San Francisco vào cuối tháng 11/2021.

Trong buổi gặp gỡ kiều bào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư. Lời kêu gọi này khiến cộng đồng người Việt ở Mỹ rất vui mừng và đồng lòng ủng hộ. Còn tại sự kiện khai trương đường bay thẳng, rất nhiều người Mỹ gốc Việt đến dự cũng bày tỏ, họ sẽ sắp xếp về nước để thăm gia đình và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Có thể thấy, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn mong mỏi kiều bào về nước góp sức xây dựng quê hương. Theo tôi, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư; từ chủ trương đến thực hiện phải thông suốt, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, bởi điều đó có thể làm nản lòng nhà đầu tư.

Trên thực tế, rất nhiều kiều bào muốn về nước đầu tư, nhưng vẫn lo ngại thất bại, e ngại về sự thay đổi chính sách và việc thực thi chính sách không thống nhất ở Việt Nam…

Những điều đó có tác động đến ông không?

Không ít doanh nhân Việt kiều đã chỉ ngay vào những khó khăn, thách thức của tôi tại Việt Nam trong thời gian gần đây để giải thích cho lý do họ chưa quyết định về nước đầu tư. Chẳng hạn, dự án thay đổi công nghệ mới xử lý rác tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đang nghẽn vì phải chờ phê duyệt quá lâu.

Ngoài ra, Dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An cũng khiến tôi lo lắng, hoang mang, vì đang thực hiện thì nay lại có thông tin tỉnh Long An muốn thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng. Dự án này đã được chúng tôi ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm với ước nguyện sẽ là cầu nối cho Việt kiều cùng tham gia mua cổ phần đầu tư vào một dự án tầm vóc quốc tế, góp phần phát triển khoa học – công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam đối với Việt kiều. Quy mô đầu tư Dự án lên đến khoảng 800 triệu USD với các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác thải, sản xuất ra các sản phẩm có lợi cho người dân, khối lượng rác xử lý ước tính 30.000 tấn/ngày.

Việt Nam đã có những chính sách tốt thể hiện qua Luật Đầu tư và lãnh đạo ở Trung ương rất quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn trì trệ hoặc triển khai, vận hành chính sách chưa nhất quán, làm cản trở sự phát triển chung. Các doanh nghiệp bị vướng, bị thiệt thòi vì cách thức làm việc như vậy. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, tâm chưa thành, chính sách chưa nhất quán… của một số địa phương đã gây khó cho doanh nghiệp.

Nói như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin. Tôi biết, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục có những quyết sách phù hợp hơn để thu hút đầu tư nước ngoài và hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2022. Tôi cũng mong các địa phương tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cạnh tranh sòng phẳng, như vậy mới có thể giúp địa phương nói riêng và đất nước nói chung tiếp tục phát triển. Trước sau như một, tôi sẽ tiếp tục là cầu nối đưa Việt kiều về đầu tư phát triển quê hương.

Tôi thành tâm cầu mong Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19, bước vào một năm đầy khí thế trên mọi lĩnh vực và thêm nhiều năng lượng tích cực, thắp sáng niềm tin cho mọi người, mọi nhà.

Share
Translate »