Doanh nhân David Dương: ‘Tâm tư tôi luôn hướng về đất nước’

(VTC News) – 2021 là năm phấn đấu quyết liệt của ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty California Waste Solutions (CWS) và Vietnam Waste Solutions (VWS).
Ông giành thắng lợi trong “cuộc chiến” cam go, tái ký thành công hợp đồng trị giá tỷ USD tại Hoa Kỳ, đồng thời tìm nhiều cách hỗ trợ công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Chiến thắng để khẳng định vị thế của người con đất Việt

“Cuộc chiến” giành quyền thu gom và xử lý rác thải cho Thành phố San Jose của California Waste Solutions (CWS) thắng lợi một cách toàn diện bằng việc CWS đã ký lại hợp đồng thu gom và xử lý rác thải có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. Doanh nhân Việt kiều cho rằng, đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, hết sức quyết liệt.

CWS phải đấu với những công ty của người Ý. Dù CWS có thay đổi công nghệ, có tài chính, có kinh nghiệm nhiều năm nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Với ông David Dương, cuộc đấu tranh này không chỉ là công ăn việc làm, là thu nhập của gia đình ông mà còn là công ăn việc làm của rất nhiều kiều bào. Chính vì lẽ đó, trong đêm đấu thầu cuối cùng, ông nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đồng bào mình. Hàng ngàn Việt kiều tập trung từ 1h trưa đến 11h đêm để theo dõi, ủng hộ tinh thần cho ông và CWS.

Cuối cùng, chiến thắng đã mỉm cười. Hợp đồng được tái kí từ ngày 1/7/2021, thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD.

CWS từng đưa ra chương trình mỗi gia đình được bỏ 3 món đồ cũ cồng kềnh để công ty đến thu gom. Nhưng khi người dân để đồ cũ ra đường chờ người đến thu gom thì vô tình lại làm mất mỹ quan thành phố.

Trong chương trình mới, người dân có thể vào internet, website công ty để đặt lịch hẹn, sẽ có người đến tận nhà thu gom hết, hoàn toàn miễn phí. Ý tưởng đó góp phần giúp thành phố không còn rác cồng kềnh vứt ngổn ngang, gây mất mỹ quan đô thị.

Ông David Dương – Chủ tịch VABA, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CWS và VWS.

Không chỉ thắng lợi tại TP San Jose, TP Oakland (bang California) cũng thương lượng với CWS để gia hạn hợp đồng thêm 10 năm và bổ sung một số hạng mục thu gom, xử lý rác. CWS mới mua miếng đất 14 mẫu tại khu vực cầu cảng của TP Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế rác. Tất cả thủ tục giấy phép đã được phê duyệt. Dự kiến nhà máy được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong 2 năm.

Với ông David Dương, những chiến thắng của CWS trong năm qua không chỉ là chiến thắng của riêng ông mà còn là thắng lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, khẳng định vị thế của Việt kiều tại thị trường Mỹ.

Tấm lòng đối với người lao động và đồng bào trong đại dịch COVID-19

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 ở Việt Nam, VWS tuân thủ nghiêm quy định của CDC Việt Nam. Ban Giám đốc sắp xếp chỗ ăn ở và làm việc để “3 tại chỗ” mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Là người đứng đầu, ông David Dương trân trọng sự hy sinh, xa gia đình của người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” để thực hiện nhiệm vụ. Ông quyết định bù đắp bằng cách chi trả thêm 300.000đ/người/ngày. “Với số tiền này, người lao động ít nhiều sẽ có kinh phí mua sắm Tết cho gia đình khi họ quay lại cuộc sống bình thường mới”, ông chia sẻ.

Ông David Dương luôn đau đáu ý nghĩ phải làm gì thiết thực để hỗ trợ người dân Việt Nam khi đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Nhiều tháng liền tìm kiếm từ các mối quan hệ để mua vaccine gửi về Việt Nam nhưng không được, ông quyết định mua máy tạo oxy đạt tiêu chuẩn tặng đồng bào, bởi qua tham khảo từ các bác sĩ, ông biết đa phần người bệnh phải nhập viện vì thiếu oxy, khó thở, cũng từ đó mà bệnh viện quá tải. 1.000 máy trợ thở đã được gửi về Việt Nam nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ.

“Theo đánh giá của tôi, dịch bệnh có thể kéo dài và chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Vì vậy, nếu chủ động sản xuất được vaccine sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo miễn dịch trong cộng đồng. Với những biến thể virus mới liên tục xuất hiện, thì vaccine cũng phải liên tục được nâng cấp.

Do đó, tôi đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Hoa Kỳ, và thật đáng mừng, nhà cung cấp này đã đồng ý chuyển giao công nghệ về Việt Nam sản xuất. Điều tiếp theo là tìm nhà sản xuất trong nước đã có dây chuyền công nghệ để tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Khi nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, đồng nghĩa với việc họ có trách nhiệm nghiên cứu để cung cấp những công thức ngăn ngừa những chủng virus mới cho đơn vị nhận công nghệ chuyển giao. Nếu mọi việc được thuận lợi, Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Hoa Kỳ và vaccine sẽ được sản xuất ngay tại đất nước mình”– ông David Dương bộc bạch.

Phối cảnh 3D dự án Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh Long An.

Mong làm cầu nối để doanh nghiệp Việt kiều đóng góp cho quê hương

“Khi gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở Hoa Kỳ, Chủ tịch nước có kêu gọi doanh nghiệp hướng về quê hương, góp phần đầu tư phát triển quê hương, gắn kết tình đồng bào. Là một người Việt sinh sống ở nước ngoài, khi nghe lời kêu gọi chân tình như thế, ai mà không động tâm, đồng cảm.

Người Việt dù hiện tại đang mang quốc tịch gì thì dòng máu của mình vẫn là của quê hương, vẫn luôn hướng về đất nước. Vậy nếu đầu tư ở quê hương mình, đóng góp cho đất nước thì vẫn tốt chứ”, David Dương chia sẻ.

Và sự “hướng về” đó không chỉ là trong tâm tư tình cảm mà còn được thể hiện qua những hành động cụ thể. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA), ông tìm đủ mọi cách để giúp đỡ các thành viên trong Hiệp hội.

Tại cuộc gặp với lãnh đạo Dân biểu Quốc hội trong Ủy ban Hoạch định các chính sách Hoa Kỳ về giao thương và thuế đối với quốc tế và an sinh xã hội, ông lắng nghe và tìm kiếm cơ hội để có thể giúp đỡ Doanh nhân Việt Mỹ hiểu rõ hơn về chính sách giao thương và áp thuế những ngành nghề chủ lực của Việt Nam.

Trong năm 2021, khi Hoa Kỳ từ từ mở cửa kinh tế trở lại cũng là lúc Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) bắt đầu hoạt động trở lại.

Trong thời gian khó khăn của năm 2020 – 2021, ông David Dương thường xuyên liên hệ với tất cả các cấp chính quyền tại Hoa Kỳ bằng hình thức trực tuyến để có những thông tin trợ giúp của chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương về các chương trình tài trợ tài chính, trợ giúp các Doanh nghiệp Việt kiều có thể vượt qua thời gian khó khăn chung.

Là người đứng đầu Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ, ông David Dương cũng luôn quan tâm đến việc làm sao có thể kêu gọi và tạo đủ điều kiện để các doanh nghiệp Việt kiều hướng về đầu tư tại Việt Nam.

Ông muốn tiên phong tạo một dự án lớn tầm cỡ, có lợi ích trực tiếp cho người dân và có thể là dự án cổ phần để các hội viên và bà con Việt kiều, các doanh nghiệp cùng tham gia góp vốn vào dự án mà họ tin tưởng để hưởng ứng lời kêu gọi Việt kiều về đầu tư góp phần phát triển quê hương của Chính phủ Việt Nam.

Gần 2 năm trời vì dịch bệnh không thể về Việt Nam, biết bao nhiêu nỗi nhớ và người con xa xứ thực sự chỉ muốn được về ngay trong Tết này. Chứng kiến chuyến bay trực tiếp của Vietnam Airlines từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, thấy hành khách rất đông, ông David Dương cảm thấy vui và tự hào vô cùng. Ông nghĩ rằng, ngày trở về của kiều bào Việt Nam không còn xa nữa.

Hơn bao giờ hết, ông David Dương muốn quay lại Việt Nam để gặp gỡ đội ngũ chuyên gia Hoa Kỳ và người lao động VWS đã gắn bó với mình bao nhiêu năm nay, về để nhìn ngắm lại thành phố mình, quê hương mình, để được thưởng thức những món đặc sản quê nhà.

“Đương nhiên, ở trời Tây không thiếu những nhà hàng bán món Việt Nam, nhưng sẽ không thể nào có cảm xúc bằng được về miền Trung ăn mì Quảng” – điều ước mong giản dị của “doanh nhân tỷ đô” xứ cờ hoa ấy có lẽ cũng là mong ước của biết bao nhiêu người Việt tha hương trước thềm năm mới.

BẢO ANH

Share
Translate »