Giá xử lý rác thải phù hợp với điều kiện kinh tế của TPHCM

Sau bài “Bên cao, phía thấp” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 22-7, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ dư luận và cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt cho biết, việc quyết định chi phí xử lý rác thải cho từng nhà đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tổng mức đầu tư, hiện trạng vị trí hạ tầng, công nghệ, quy mô, quy trình vận hành, khu liên hợp (với đa công nghệ khép kín) hay từng công nghệ đơn lẻ, chi phí thu được từ quá trình bán sản phẩm tái chế… Do các yếu tố trên, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư xử lý rác với nhiều chi phí khác nhau.

Căn cứ vào cam kết đầu tư giữa TPHCM và Công ty TNHH Xử lý rác Việt Nam (VWS)- chủ đầu tư, Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước xử lý rác bằng 3 phương pháp: tái chế rác thành phân compost (500 tấn/ngày); tái chế (500 tấn/ngày) và chôn lấp (2.000 tấn/ngày). Tổng chi phí để xử lý rác thải của khu liên hợp này là 16,4 USD. Các dự án khác, không phải là dự án Khu liên hợp, chỉ sử dụng 1 trong những công nghệ: xử lý chất thải thành compost, chôn lấp hoặc đốt. Việc so sánh giá xử lý của các dự án có nhiều yếu tố rất khác nhau như đã nêu trên là một việc làm không thể thực hiện, không đúng và dễ gây hiểu sai.

Về việc tăng giá, giá xử lý của VWS sẽ tăng theo mức trượt giá của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mỗi năm nhưng giới hạn ở mức tối đa 3%/năm – tất cả dự án khác hiện nay đều sử dụng phương thức điều chỉnh này. Do đó việc đánh giá giá xử lý của VWS tăng vùn vụt là không đúng và chưa trình bày đầy đủ dù phải thừa nhận rằng hiện VWS chỉ mới chôn lấp.

Điều này khiến công ty chịu thiệt hại do không thu được lợi nhuận từ việc bán sản phẩm từ rác để bù vào chi phí xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp. Để buộc công ty này sử dụng đất hiệu quả hơn, đảm bảo tiếp nhận hết khối lượng rác thải trong 21 năm, Sở TN- MT đã có công văn yêu cầu công ty này sớm hoàn thiện hạng mục đầu tư để tái chế rác thải thành phân compost. Thời hạn để công ty này phải hoàn thiện là cuối tháng 9.

Việc một số nhà đầu tư xử lý rác cho rằng nếu TPHCM không thể giao rác đã phân loại thì họ cũng không thể tái chế thành phân compost đã bị hiểu sai hoặc thông tin chưa đầy đủ. Vấn đề này được TP thể hiện rất rõõ trong tất cả hợp đồng đã ký kết. Theo đó, TP chỉ cam kết ưu tiên rác thải đã phân loại cho các dự án trong trường hợp TP thực hiện thành công công tác phân loại rác tại nguồn.

Do vậy, nhà đầu tư phải tự tính được tình huống: Nếu TP không giao rác đã phân loại được, họ vẫn có thể tái chế rác chưa phân loại. Thực tế, việc triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn của TP đang gặp nhiều khó khăn vì chưa thể đồng bộ hóa được hệ thống thu gom rác. Do đó, có tình trạng hộ dân đã phân loại nhưng lực lượng thu gom lại đổ chung vào một xe rác.

Việc những nhà đầu tư đang xử lý rác bằng phương pháp tái chế chất thải sinh hoạt thành phân compost với chi phí xử lý, hiện đang đề nghị, thấp hơn so với hoạt động của Khu liên hợp, đó là do mức giá mà nhà đầu tư thương thảo với TP ngay từ đầu thành lập dự án với thời gian kéo dài và giá đã lạc hậu.

Đơn cử như Công ty cổ phần Vietstar, sở dĩ có giá 5USD là do nhà đầu tư này thống nhất giá từ năm 1999 và đến năm 2009 mới đi vào hoạt động. Trong quá trình thương thảo hợp đồng năm 2007, công ty này nói riêng và một số công ty đang đầu tư xử lý chất thải rắn đô thị nói chung đã đề xuất điều chỉnh giá xử lý tối thiểu lên 12 USD/tấn nhưng chưa được TP xem xét chấp thuận.

Nguyên nhân là do TP yêu cầu các công ty này phải đi vào hoạt động ổn định thì mới xem xét tính đến phương án tăng giá cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và nội dung hợp đồng đã ký kết. Hiện nay, Vietstar đã có văn bản đề nghị TP xem xét điều chỉnh giá lên 18 USD/tấn sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động.

Có thể nói, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý chất thải hiện đại là điều cần làm, tuy nhiên, phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của TP. Đơn cử, ứng dụng công nghệ đốt chất thải ưu việt nhưng giá thành xử lý ít nhất 32USD/tấn, liệu ngân sách TP có kham nổi.

Mặt khác, nước ta đất rộng, dân nghèo, có thể vừa ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam nhưng vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp (bắt buộc phải có để xử lý chất thải trong quá trình xử lý cho các loại công nghệ khác) để giảm giá thành xử lý.

Minh Hải

Share
Translate »