Ông David Dương: Báo chí là nhịp cầu quan trọng của doanh nhân nước ngoài

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), ông David Dương – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS), đã dành cho Báo Thanh Niên cuộc trò chuyện thú vị.


Phối cảnh dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước chuyển đổi công nghệ mới

Thưa ông, hỏi thật ông có đọc báo chí VN không?

Ông David Dương: Không phải có mà rất nhiều. Thông qua báo chí trong nước, tôi mới biết đời sống, kinh tế, chính trị… đặc biệt là các chính sách đầu tư dành cho kiều bào. Các trang báo online uy tín của VN tôi đều đọc mỗi ngày. Tôi biết Thanh Niên, Vnexpress có mục Người Việt năm châu hoặc nhiều trang báo điện tử khác cũng có chuyên mục tương tự. Tôi thật sự thú vị vì báo chí VN rất quan tâm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ cũng hiểu và chia sẻ với kiều bào nhiều vấn đề.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí VN đối với các doanh nhân Việt kiều?

Báo chí VN không chỉ quan trọng với doanh nhân Việt kiều mà doanh nhân nói chung ở nhiều nước cũng coi báo chí VN là kênh thông tin quan trọng để tìm hiểu các chính sách, môi trường đầu tư… tại VN. Từ đó, họ có thể mạnh dạn xúc tiến đầu tư. Chẳng hạn hơn 10 năm trước, khi tôi có dự định về đầu tư làm khu xử lý rác thải tại VN, nhiều Việt kiều nói với tôi sẽ sớm “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng khi tìm hiểu nhiều kênh, trong đó có kênh báo chí, tôi quyết định đem tâm huyết, kinh nghiệm của mình làm điều gì đó cho quê hương. Và như nhà báo đã biết, nhà máy xử lý rác có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất VN lúc bấy giờ đã ra đời tại Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Ông nghĩ gì về phản ứng của dư luận trong quá trình đầu tư và vận hành nhà máy xử lý chất thải ở Đa Phước cho đến hiện nay?

Nhìn chung hầu hết các cơ quan báo chí, trong đó những tờ báo lớn có uy tín ủng hộ rất chân thành. Điều này đã tạo cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao và động lực mạnh mẽ để cống hiến thêm nhiều cho quê hương. Phải nói, sức mạnh của truyền thông ghê gớm lắm. Nhà báo cần “bút sắc, tâm trong”. Nếu nhà báo không công tâm, ngòi bút của các bạn có thể giết chết đủ thứ chứ không riêng gì doanh nghiệp, trong đó có tôi. Bạn đọc cũng cần bình tĩnh, sáng suốt khi đọc báo. Nếu bạn đọc có cái tâm trong sáng thì sẽ biết phân định cái nào đúng, cái nào chưa đúng.


Ông David Dương – CEO CWS và VWS

Ông có thể nói rõ hơn những ảnh hưởng gọi là “sự cố truyền thông” mà VWS đã trải qua?

Ví dụ, người dân nghe mùi hôi thì cứ chỉ nghĩ đến Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước mà không biết ở toàn liên khu Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước còn rất nhiều nhà máy xử lý chất thải khác. Có một đoàn nhà báo của một số báo lớn đi khảo sát hết các đơn vị xử lý chất thải ở đây, sau đó họ mới vỡ lẽ là toàn liên khu Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước không chỉ có mỗi rác.

Chính quyền thành phố có thấu hiểu được điều mà ông cho là “không chỉ có mỗi rác” đó không?

Tôi cũng đã trình bày hết thực trạng Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước cho thành phố. Tôi nhận thấy lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành rất cầu thị lắng nghe. Tuy nhiên, nói gì thì nói cần phải có một cuộc kiểm tra liên ngành khoa học, bài bản thì mới thấy rõ được thực hư, mới có cái nhìn khách quan, toàn diện. Tôi chờ đợi điều này từ lâu lắm rồi.

Thực tế hiện nay, bãi rác Đa Phước cũng sắp quá tải, công nghệ xử lý rác bằng cách chôn lấp cũng không còn phù hợp, thưa ông?

VWS đã lường trước điều đó. Cách đây vài năm, chúng tôi đã đệ trình lên thành phố dự án thay đổi công nghệ xử lý rác hiện đại hơn cho Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi dứt điểm. Ngay cả vành đai xanh cách ly theo như hợp đồng chính thức mà thành phố đã ký từ năm 2005 cũng chưa triển khai được. Trong điều kiện như thế, VWS đã nỗ lực hết sức để bảo vệ môi trường sống của người dân xung quanh bãi rác bằng phương pháp phun xịt rất nhiều nguyên liệu thân thiện môi trường để khử mùi, cộng thêm việc xây dựng khu chôn lấp rác hợp vệ sinh theo mẫu chuẩn của các nước phát triển. Để xử lý khối lượng rác của hơn 10 triệu dân TP.HCM, thật sự hiện nay VWS phải gồng mình trong điều kiện không có vành đai xanh cách ly, cũng như những khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn. VWS chỉ chờ phản hồi dứt điểm của thành phố về dự án thay đổi công nghệ xử lý rác mới để bắt tay ngay vào xây dựng, sớm đưa vào vận hành. Có công nghệ mới này, chúng tôi sẽ biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, CNG, phân compost, giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa, giảm phát thải khí carbon và khí nhà kính… Đồng thời, chúng tôi cũng đã xúc tiến đầu tư dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh (KCNMTX) tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để tập trung xử lý tất cả các loại chất thải. Dự án này rất quy mô về khoản đầu tư, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại của thế giới nhằm giải quyết hoàn hảo bài toán xử lý chất thải bền vững. Ngoài ra, dự án cũng nằm cách xa khu dân cư, đã có vành đai xanh cách ly hiện hữu với tổng diện tích gần 2.000 ha. Tuy nhiên, còn vướng mắc ở chỗ TP.HCM và tỉnh Long An chưa thống nhất được phương án vận chuyển rác hiệu quả nhất về KCNMTX sau khi dự án này đi vào hoạt động. Mặt khác, chúng tôi rất sốt ruột vì công trình hạ tầng (đường dẫn, cầu, san lấp…) để phục vụ dự án chính đã triển khai rồi, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa cho ý kiến triển khai tổng thể dự án.

Nhân chuyện “thời sự” về đại dịch Covid-19, ông có thể chia sẻ thêm việc chống dịch của Công ty California Waste Solutions của ông tại Bắc California?

Lúc đầu, nước Mỹ xem thường dịch này. Nhưng sau đó họ mới nhận ra và có những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi với công việc thu gom và xử lý rác tại đây nên càng phải tuân thủ rất nghiêm ngặt. Do đó, mọi cán bộ, công nhân viên vẫn khỏe và đi làm bình thường. Cái này cũng có “công” của báo chí VN. Việt kiều đọc báo, thấy VN sớm có các biện pháp chống dịch cực tốt cũng học hỏi theo. Phải nói là Chính phủ VN xử lý quá giỏi dịch bệnh. Nhiều tờ báo quốc tế đưa tin VN chống dịch tốt, Tổng thống Donald Trump cũng khen VN làm tôi thấy tự hào. Nhân ngày Báo chí cách mạng VN tôi thành tâm gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả các nhà báo VN. Mong các nhà báo luôn “bút sắc, tâm trong” ủng hộ bà con Việt kiều về đầu tư làm ăn tại quê hương.

Thiên Thảo

Share
Translate »