(PLO)-Với kết quả phòng chống dịch COVID-19 thành công của Việt Nam, từ Mỹ, ông David Dương chia sẻ rất vui sướng và gửi lời chúc mừng Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Trung tuần tháng 6, mở đầu cuộc trò chuyện trực tuyến từ thành phố Oakland, bang California (Mỹ), ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) cho biết, qua các phương tiện truyền thông cho thấy Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh COVID-19. Trong khi ở Mỹ, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và công việc phòng chống dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn hơn…
Chuyện chống dịch ở Mỹ: khó lắm
Nói về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ, ông David Duong lắc đầu và kể: người Mỹ nói ai mang khẩu trang mới là người bị bệnh nên họ không chịu mang. Vô phòng họp của công ty, người mang khẩu trang, người không mang, cứ nhìn qua nhìn lại nghi ngờ nhau… Trong khi đó, tốc độ lây lan dịch ở Mỹ tăng nhanh nên sau cùng chính quyền các bang phải ban hành văn bản bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ đúng khoảng cách khi trò chuyện… Dần dần, người dân Mỹ nhìn thấy lợi ích nên tuân thủ quy định bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang. Thậm chí ở Mỹ còn quy định: đi chung xe ô tô, nếu mọi người không cùng địa chỉ nhà thì phải mang khẩu trang. Ở Mỹ, không chấp hành – phạt và phạt rất nặng.
Ông David Dương – CEO CWS và VWS
Ông David Dương cho biết thêm: với Công ty California Waste Solutions (CWS – một trong những công ty thu gom và xử lý rác tái chế hàng đầu tại Mỹ) và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS ở TP.HCM), ngày từ đầu tháng 3, công ty đã tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch, ban hành các quy định và yêu cầu người lao động và nhân viên tuân thủ nghiêm túc.
Việt Nam chống dịch: Number One!
Ngay từ đầu mùa dịch, VWS đã khuyến khích người lao động, công nhân viên đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19. Đồng thời cung cấp nước rửa tay, khẩu trang đầy đủ, tổ chức đo thân nhiệt cho người lao động. Nhờ nghiêm túc thực hiện và có trách nhiệm với cộng đồng nên cả hai công ty ở Mỹ và Việt Nam đều hoạt động bình thường, không ảnh hưởng nhiều.
Lãnh đạo UBND TP.HCM trực tiếp tham quan đỉnh rác ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước vào đầu năm 2020.
Tại VWS, khi có chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ, công ty quy định công nhân đi làm không đứng gần khi nói chuyện, không ngồi ăn uống chung, luôn đảm bảo khoảng cách, hạn chế tiếp xúc gần.
Người lao động được theo dõi và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe. Trong đó phải đeo khẩu trang, nước rửa tay và khử khuẩn thường xuyên, đo thân nhiệt tất cả những người ra vào công ty. Công ty khuyến cáo người lao động nếu có dấu hiệu bệnh thì nên đến các cơ sở y tế khám và được nghỉ làm, nhằm ngăn chặn lây nhiễm nếu có.
VWS cũng gặp khó khăn khi một số lao động phổ thông xin nghỉ việc trong đợt dịch. Mặc dù vậy, công ty vẫn đảm bảo đầy đủ lương thưởng, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe.
Chung tay hỗ trợ cộng đồng chống dịch
Ông David Dương cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ vẫn còn phức tạp nên khi Chính phủ Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các trang thiết bị y tế đã bị thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là khẩu trang. Vì vậy, CWS đã nhanh chóng tặng 40.000 chiếc khẩu trang y tế N95 cho chính quyền bang California. Ngoài ra, công ty còn đặt hàng mua 20.000 chiếc khẩu trang vải ở Việt Nam tặng cho người dân Mỹ.
Đặc biệt, vào ngày 13-4, tại thành phố San Francisco và thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ, ông David Dương đã ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.
Song song đó, tại Việt Nam, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam cũng đã ủng hộ 200 triệu đồng nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông David Dương tiết lộ, thông qua các kênh truyền thông đại chúng, người Việt ở nước ngoài và ở Mỹ thường xuyên nghe ngóng tình hình kinh tế, xã hội, đặc biệt là việc chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Vì vậy, những thông tin liên quan đến Việt Nam, được báo chí chính thống đưa tin là rất quan trọng, có tác động lớn đến các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đến Việt Nam.
Sau dịch và nỗi lo vì chậm dự án
Trả lời câu hỏi phóng viên về những kế hoạch thực hiện trong năm 2020 của VWS tại Việt Nam, đôi mắt ông David Dương đượm buồn, nói: chúng tôi đang mong chờ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án, đó là:
(1). Dự án chuyển đổi công nghệ sử dụng phương pháp đốt 100% với tổng công suất thiết kế lò đốt tối thiểu 3.000 tấn/ngày ở Đa Phước và
(2). Dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh ở Thủ Thừa, Long An.
Theo ông David Dương, hiện công sức, tiền của và cả tâm huyết đầu tư hết vào 2 dự án này nhưng chúng tôi vẫn phải chờ đợi chính quyền các cấp phản hồi. Đặc biệt, dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh ở Thủ Thừa, Long An đã được đầu tư xây dựng cầu đường, cơ sở hạ tầng nhưng đã nhiều năm rồi, lãnh đạo tỉnh Long An và TP.HCM vẫn chưa “chốt” xong mọi việc để chúng tôi tiếp tục đầu tư.
Phối cảnh Cảng tiếp nhận xà lan, Nhà máy ép rác vào container và Nhà máy xử lý nước của dự án chuyển đổi công nghệ sử dụng phương pháp đốt 100% với tổng công suất thiết kế lò đốt tối thiểu 3.000 tấn/ngày ở Đa Phước.
Trong khi đó, nhiều năm qua, khu đất dành cho việc xử lý rác thải (Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước ở Bình Chánh) do thành phố chuyển giao không có nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Mặc dù hoạt động trong môi trường thiếu thốn và không được đầu tư “vành đai xanh cách ly” theo như hợp đồng chính thức mà UBND TP.HCM đã ký từ năm 2005. Gần 15 năm qua, VWS đã nỗ lực phun xịt khử mùi khu chôn lấp rác hợp vệ sinh theo kiểu mẫu tiêu chuẩn của các nước phát triển bằng những nguyên liệu thân thiện môi trường để bảo vệ sức khỏe cho người dân xung quanh khu liên hợp. Có thể thấy, để xử lý khối lượng rác của hơn 10 triệu dân TP.HCM, VWS đã phải gồng mình trong điều kiện không có vành đai xanh cách ly cũng như những khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn. Trong thời gian tới, VWS sẽ thay đổi công nghệ mới, biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, CNG, phân compost, giảm tối đa tỉ lệ chôn lấp, giảm phát thải khí carbon và khí nhà kính.
“Chúng tôi luôn nhiệt huyết và trách nhiệm với các dự án được đầu tư tại quê hương của mình. Tuổi tôi ngày càng cao nên càng mong đợi các dự án của mình nhanh chóng hoạt động, để có thêm nhiều thời gian đóng góp cho quê hương. Chứ lỡ mai này, sức khỏe giảm sút, sẽ không còn cơ hội phụng sự quê hương, đặc biệt là về bảo vệ môi trường”, từ Mỹ – ông David Dương đã nói về những khát khao đang còn dang dở của mình vào những ngày trung tuần tháng 6-2020.
PHI NGUYỄN