Tâm sự đầu năm của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ

Nhiều người biết về ông David Dương trong vai trò ông chủ của các công ty thu gom và xử lý rác tầm cỡ tại Mỹ và Việt Nam. Nhưng, trong số báo xuân Nhâm Dần, chúng tôi “đổi khẩu vị” bằng cuộc phỏng vấn ông trong cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA).

Thưa ông, với vai trò là Chủ tịch VABA, trong cuộc gặp với lãnh đạo dân biểu Quốc hội thuộc Ủy ban hoạch định các chính sách Mỹ về giao thương và thuế đối với quốc tế và an sinh xã hội mới đây, ông đề cập những vấn đề gì?

Ông David Dương: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, là Chủ tịch VABA cũng là một người con đất Việt, lúc nào tôi cũng trăn trở tìm mọi cách giúp đỡ các thành viên hiệp hội và quê hương Việt Nam. Tại cuộc gặp đó, tôi lắng nghe nhiều vấn đề mà lãnh đạo dân biểu Quốc hội trao đổi xoay quanh việc hoạch định các chính sách của Mỹ trong giao thương và thuế đối với quốc tế và an sinh xã hội. Đặc biệt, tôi đã nắm bắt được những nhiều điều có thể giúp doanh nhân Việt kiều hiểu rõ hơn về chính sách giao thương và áp thuế của Mỹ đối với hàng chủ lực của Việt Nam, chẳng hạn như: dệt may, gỗ, sắt thép, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng và nhất là nông sản. Tôi biết các mặt hàng này xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh đầu năm 2021. Nông sản Việt Nam đã bán tại Mỹ như: Rau củ, cà phê, điều, sầu riêng. Tôi và gia đình ăn sầu riêng Việt Nam thơm ngon tại Mỹ thì tự hào, vui mừng vì hàng hóa nước mình được Mỹ công nhận về chất lượng. Một số người châu Á tại Mỹ nếu thích ăn sầu riêng và nhất là kiều bào Việt Nam được thưởng thức hương vị các món ăn từ quê nhà trên quê hương thứ hai này còn gì bằng. Vì thế, hiểu rõ về chính sách mà Chính phủ Mỹ áp thuế lên các mặt hàng Việt Nam như thế nào là ưu tiên hàng đầu của tôi.

Năm 2021 Mỹ hứng chịu nặng nề vì đại dịch Covid-19. Vậy, xuyên suốt năm 2021, ông có những hoạt động gì giúp cộng đồng doanh nhân Việt kiều?

Trong thời gian khó khăn của năm 2020 – 2021, tôi vẫn thường liên hệ với các cấp chính quyền tại Mỹ qua trực tuyến để có những thông tin về các chương trình hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp người Việt vượt qua khó khăn. Tôi cũng làm việc trực tiếp với Sở Cảnh sát thành phố San Jose và Oakland về các chương trình đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp người Việt, người mua hàng trong khu thương mại.

Tiếp cận với quan chức chính quyền Mỹ là việc không phải Việt kiều nào cũng làm được. Nhưng, chúng tôi thấy ông rất năng nổ trong việc này và đã có những cuộc gặp gỡ ý nghĩa.

Quan tâm đến đời sống của Việt kiều và là Chủ tịch VABA nên tôi phải tiên phong. Năm 2021, tôi dành nhiều thời gian đến các tiểu bang, nhiều nhất là New York và Washington DC, hai nơi quy tụ nền kinh tế và chính trị. Tại Washington DC, tôi gặp gỡ, trao đổi với nhiều chính trị gia như thượng nghị sĩ và nghị sĩ Quốc hội. Tôi quảng bá về cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ đã trưởng thành, bắt đầu tham gia vào các cấp chính quyền của từng tiểu bang. Đặc biệt, cộng đồng doanh nhân người Mỹ gốc Việt đang phát triển mạnh, họ rất quan tâm và cũng tham gia vào các chương trình nghị sự của chính quyền.

Nhiều chính trị gia hỏi suy nghĩ của tôi về quan hệ giữa Mỹ – Việt Nam. Họ rất đồng tình khi tôi giải thích mối quan hệ Mỹ – Việt Nam ngày càng trở nên sâu sắc, thể hiện trong buổi lễ Kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam – Mỹ vào tháng 10.2020. Tôi cũng khẳng định cộng đồng người Mỹ gốc Việt sôi động, gắn kết đã giúp cho Mỹ thêm mạnh mẽ, thịnh vượng. Đã có rất nhiều du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ và cũng có hàng ngàn người Mỹ đang học tập tại Việt Nam. Họ có vai trò làm cầu nối văn hóa của hai đất nước, giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, sau những nhà đầu tư thành công của Mỹ tại Việt Nam.

Đó là câu chuyện của ông với các chính trị gia Mỹ. Còn với vai trò là Chủ tịch VABA và là một Việt kiều đang đầu tư tại Việt Nam, ông đã chia sẻ, kết nối, giúp đỡ… các doanh nhân Việt kiều tại Mỹ như thế nào để họ quan tâm đầu tư về Việt Nam?

Tôi kêu gọi các doanh nhân Mỹ gốc Việt về đầu tư tại đất mẹ của mình để tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển quê hương, kiếm được lợi nhuận… Tôi đã thuyết trình, chia sẻ với họ những hiểu biết về cơ chế, chính sách, luật pháp… mà Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm tạo điều kiện cho Việt kiều đầu tư tại quê nhà. Nhưng nói thật lòng rằng, có rất nhiều nhà đầu tư Việt kiều chưa đủ niềm tin vào các địa phương trong việc thực thi các cơ chế, chính sách… mà Chính phủ đã ban hành. Không ít Việt kiều đã chỉ ngay vào những thách thức, khó khăn của tôi tại Việt Nam trong thời gian gần đây để giải thích cho lý do họ nản chí.

Ông có thể nói rõ hơn những “thách thức, khó khăn” đó là gì?

Chẳng hạn, dự án thay đổi công nghệ mới xử lý rác tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đang nghẽn vì phải chờ phê duyệt quá lâu rồi. Ngoài ra, Khu công nghệ Môi trường xanh Long An cũng khiến tôi lo lắng, hoang mang vì đang thực hiện dự án thì nay lại có thông tin tỉnh Long An muốn thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng. Dự án này chúng tôi đã ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm với ước nguyện sẽ là cầu nối cho Việt kiều cùng tham gia mua cổ phần đầu tư vào một dự án tầm vóc quốc tế góp phần phát triển khoa học công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam đối với Việt kiều. Quy mô đầu tư dự án lên đến khoảng 800 triệu USD với các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác thải, sản xuất ra các sản phẩm có lợi cho người dân với các thành phần rác và khối lượng rác ước tính 30.000 tấn/ngày. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại có ý định thu hồi dự án đó khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Tôi nói thẳng, Việt Nam đã có những chính sách tốt thể hiện qua luật Đầu tư và lãnh đạo ở Trung ương rất quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, “bên dưới” vẫn còn trì trệ hoặc triển khai, vận hành các chính sách theo quán tính làm cản trở sự phát triển chung. Các doanh nghiệp bị vướng, bị thiệt thòi vì lề lối làm việc như vậy. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, tâm chưa thành, chính sách chưa nhất quán… của một số địa phương đã làm khổ doanh nghiệp.

Có vẻ ông cũng mất nhiều niềm tin vì thực trạng “trên bảo dưới không nghe” đó?

Đương nhiên là có. Nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin hoàn toàn. Tôi biết Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục có những quyết sách phù hợp hơn để thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2022. Tôi thành tâm cầu mong Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19, bước vào một năm đầy khí thế trên mọi lĩnh vực và thêm nhiều năng lượng tích cực, thắp sáng niềm tin cho mọi người, mọi nhà. Tôi cũng mong các địa phương cũng thành tâm và để cho các nhà đầu tư cạnh tranh sòng phẳng thì mới có thể làm cho địa phương mình nói riêng, đất nước nói chung phát triển lên được.

Cảm ơn ông!

Thiên Thảo

Share
Translate »