Tổng Giám đốc VWS lên tiếng về khoản tiền trả trước 9 triệu USD

Các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng đã được soạn thảo theo đúng các quy định của luật đầu tư nước ngoài và các luật liên quan khác của Nhà nước Việt Nam; và VWS đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư năm 2005, trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tham gia xã hội hóa ngành xử lý môi trường.

Thời gian qua, dư luận quan tâm đến một số nội dung liên quan đế vấn đề tài chính của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), như khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ Ngân sách nhà nước cho công ty này; đơn giá xử lý rác được tính bằng ngoại tệ …


Ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS lên tiếng trước những vấn đề được dư luận quan tâm.

Ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh cho biết: Ngày 05/01/2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành công tác thanh tra tại VWS, để làm rõ khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ Ngân sách nhà nước và đơn giá xử lý rác theo quy định ngoại hối theo hợp đồng.

Làm việc với đoàn Thanh tra, chúng tôi đã giải thích rõ nội dung này như sau: Hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa đại diện UBND THCM là Sở TN&MT và VWS đã được ký kết đầu năm 2006, sau hơn 18 tháng làm việc, đàm phán, công khai và công bằng để chọn công nghệ, giá thành xử lý, khối lượng xử lý và thời gian thực hiện hợp đồng để đi đến sự thỏa thuận giữa VWS với tổ đàm phán, gồm nhiều Sở ngành chức năng của Thành phố.

Các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng đã được soạn thảo theo đúng các quy định của luật đầu tư nước ngoài và các luật liên quan khác của Nhà nước Việt Nam; và VWS đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư năm 2005, trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tham gia xã hội hóa ngành xử lý môi trường.

Khoản tiền trả trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác tính theo tấn từ lúc ban đầu, để đi đến giá thỏa thuận từ 17,77 USD/tấn xuống còn 16,40USD/ tấn và là số tiền Ngân hàng tài trợ đã yêu cầu Thành phố phải trả trước cho VWS để đầu tư vào hạ tầng; vì khu vực dự án là 1 vùng đầm lầy, xung quanh bao bọc bởi sông rạch, sẽ tốn kém rất nhiều chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây còn được xem như lời cam kết của Thành phố, đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên tham gia vào lãnh vực xã hội hóa xử lý môi trường cho Thành phố.

Về việc ghi giá xử lý rác bằng đồng USD, Ông David Dương cho biết: căn cứ Pháp lệnh số 28/2005/UBTVQH có hiệu lực từ ngày 01/06/2006 và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/ 2014; đều là sau ngày ký Hợp đồng Giao, nhận và Xử lý chất thải rắn giữa UBND TPHCM và VWS. Cụ thể, Hợp đồng được ký ngày 28/02/2006. Điều này có nghĩa là việc ghi giá bằng USD trong Hợp đồng không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh số 28/2005/PL-UBTVQH và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật.

Ngoài ra, Pháp lệnh số 28/2005 hoặc Pháp lệnh số 06/2013 đều không quy định các hợp đồng ký kết trước ngày 01/06/2006 hoặc 01/01/2014 phải được điều chỉnh đơn giá thành đồng Việt Nam, nếu đã được thỏa thuận đơn giá bằng ngoại tệ. Như vậy, theo các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, đơn giá ghi bằng ngoại tệ trong Hợp đồng không bắt buộc phải được điều chỉnh”.

Ông David Dương cho biết thêm, dù đã giải trình và làm việc cụ thể với Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính với nội dung trên, nhưng đến ngày 03/07/2018, chúng tôi được biết Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thanh tra nội dung trên theo đơn tố cáo của công dân là ông Đoàn Văn Đức. Như vậy, công ty có đến 4 lần tiếp đoàn thanh tra trong hơn 2 năm qua, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 chỉ được thanh/ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/ năm.

Trong quá trình hoạt động, công ty luôn phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính phức tạp, những quy định quản lý chồng chéo giữa các Bộ, Sở ngành, thiếu sự ổn định, hao phí nhiều thời gian và tiền của. Nay lại tiếp tục thanh kiểm tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số báo đài nhân đây lại thông tin không đầy đủ, chưa chính xác làm người đọc hiểu rằng VWS có lỗi và có sai phạm nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chúng tôi rất mong được các cơ quan truyền thông chia sẻ, cung cấp cho bạn đọc thông tin đầy đủ và đa chiều, giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi, đúng pháp luật.

Thuý Văn-VOH

Share
Translate »