(VTC News) – Là doanh nghiệp xử lý rác thải cho TP.HCM gần 15 năm qua, VWS gần như phải gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ trong cao điểm dịch COVID-19, bất chấp những nguy hiểm.
Âm thầm giữa mùa dịch
Từ sau Tết Nguyên đán 2020, dịch COVID-19 bùng nổ không chỉ khiến cuộc sống của người lao động cũng bị đảo lộn, khó khăn mà nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào khủng hoảng.
Thế nhưng vất vả, nguy hiểm nhất có lẽ chính là những người làm công tác môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp thu gom và xử lý rác thải. Họ chính là những người rất dễ bị nhiễm COVID-19. Thế nhưng, họ vẫn âm thầm làm việc, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ dịch bệnh để giữ cho thành phố sạch đẹp.
Ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) cho biết, để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cả 2 công ty tại Mỹ và Việt Nam đều tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch, cũng như đề ra các quy định để công nhân viên tuân thủ nghiêm túc thực hiện.
Ông David Dương – CEO CWS và VWS
Tại Mỹ, lúc đầu chính quyền chưa bắt buộc mọi người dân đeo khẩu trang. Nhưng công ty vẫn khuyến khích công nhân viên đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19. Đồng thời cung cấp nước rửa tay, khẩu trang, đo thân nhiệt cho người lao động.
Tại Việt Nam, VWS đã tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ cũng như những ban ngành của TPHCM như thực hiện giãn cách xã hội, công nhân viên đi làm không đứng nói chuyện, ngồi ăn uống chung, phải đảm bảo khoảng cách, hạn chế tiếp xúc gần và được cung cấp nước rửa tay, khẩu trang, đo thân nhiệt. Người lao động được theo dõi và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, công ty khuyến cáo người lao động nếu có dấu hiệu bệnh thì nên đến các cơ sở y tế khám và được nghỉ làm để ở nhà theo dõi sức khỏe.
“Trong thời gian dịch bệnh, khối lượng rác mà công ty tại Việt Nam tiếp nhận không tăng. Nhưng khối lượng tác tại công ty ở Mỹ tăng gần 20% so với trước lúc dịch xảy ra, thu gom phế liệu tái chế bị lẫn lộn nhiều hơn trước. May mắn là lượng rác tăng không ảnh hưởng lớn vì công ty luôn có xe rác dự phòng”, ông David Dương nói.
Bên cạnh đó, nguồn lao động cũng không thiếu do công ty duy trì chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội tốt. Tuy nhiên, công ty cũng gặp phải khó khăn khi không thể thêm người làm vì thực hiện giãn cách xã hội. Từ đó, lượng rác tái chế ít lại, lượng rác đưa đi chôn lấp nhiều hơn.
Chung tay vì môi trường và cộng đồng
Theo ông David Dương, khu đất dành cho việc xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do thành phố chuyển giao cho VWS không có lợi ích về mặt kinh tế. Trong khi đó, dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đến nay vẫn chưa được thành phố triển khai như hợp đồng đã ký từ năm 2005. Thế nhưng, VWS vẫn nỗ lực hết sức để bảo vệ môi trường sống của người dân xung quanh Khu liên hợp bằng phương pháp phun xịt khử mùi bằng những nguyên liệu thân thiện môi trường để bảo vệ sức khỏe cho người dân cộng thêm việc xây dựng khu chôn lấp rác hợp vệ sinh theo kiểu mẫu chuẩn của các nước phát triển.
“Để xử lý khối lượng rác của hơn 10 triệu dân thành phố, VWS phải gồng mình trong điều kiện không có vành đai xanh cách ly cũng như những khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn”, ông David Dương tâm tư.
Phối cảnh dự án KLHXLCTĐP chuyển đổi công nghệ mới
Dù vậy, với cái tâm của người làm môi trường, người con xa xứ muốn cống hiến cho quê hương, ông David Dương cho biết, trong thời gian tới, VWS sẽ thay đổi công nghệ mới tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, CNG, phân compost nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa, giảm phát thải khí carbon và khí nhà kính. Đồng thời, chúng tôi cũng đã xúc tiến đầu tư dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh (KCNMTX) tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để tập trung xử lý tất cả các loại chất thải.
Dự án này rất quy mô về khoản đầu tư, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại của thế giới nhằm giải quyết hoàn hảo bài toán xử lý chất thải bền vững. Ngoài ra, dự án cũng nằm cách xa khu dân cư, đã có vành đai xanh cách ly hiện hữu với tổng diện tích gần 2.000 hecta.
Tuy nhiên, còn vướng mắc ở chỗ TP.HCM và tỉnh Long An chưa thống nhất được phương án vận chuyển rác hiệu quả nhất về KCNMTX sau khi dự án này đi vào hoạt động. Mặc khác, chúng tôi rất sốt ruột vì công trình hạ tầng (đường dẫn, cầu, san lấp….) để phục vụ dự án chính đã triển khai rồi, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa cho ý kiến triển khai tổng thể dự án.
Ngoài ra, vào đầu tháng 6/2020, nhân ngày môi trường thế giới, gần 600 cây xanh được VWS trồng tại ấp 4, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Lãnh đạo VWS cho biết, không chỉ nỗ lực làm tốt nhất các hoạt động ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, công ty còn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường bằng việc tài trợ hoàn toàn kinh phí để trồng 600 cây sưa, dầu cho xã Đa Phước.
Bên cạnh những dự định, kế hoạch về việc bảo vệ môi trường trong điều kiện khó khăn, VWS đã ủng hộ 200 triệu đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua.
Còn tại Mỹ, sáng 13/4, ông David Dương, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Bắc California và Vietnam Waste Solutions (VWS) có trụ sở tại TP.HCM, đã trao tặng 100.000 USD ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của kiều bào tại các bang Miền Tây nước Mỹ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ tổ chức.
NHẬT LINH