Vượt ‘bão’ Covid-19, Vietnam Waste Solutions chuyển mình bứt phá

(SHTT) – Trong lúc nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao do Covid-19, Vietnam Waste Solutions (VWS) đã bản lĩnh “đạp” cơn sóng dữ, dần thích nghi để hoàn thành khối công việc khổng lồ cũng như chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới.
Năm 2020 có thể coi là năm khó khăn đối với toàn thế giới vì đại dịch Covid-19 hoành hành. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, gần như tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không nằm ngoài biến động đó, trong năm 2020, Vietnam Waste Solutions (VWS) cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thay vì chọn cách chờ đợi, ban lãnh đạo VWS đã tìm các phương pháp để thích nghi, thay đổi và bứt phá giữa tình hình đại dịch phức tạp. Để hiểu rõ hơn về quá trình vượt qua đại dịch Covid-19 cũng như các kế hoạch cho năm 2021, PV Sohuutritue.net đã trao đổi với ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Califfornia Waste Solutions (CWS) và Vietnam Waste Solutions (VWS).


Ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VWS và CWS

– Giữa tình hình dịch Covid-19 phức tạp, ông làm thế nào để “chèo lái” VWS hoạt động ổn định trong năm 2020 vừa qua?

Phải thừa nhận, Covid-19 khiến mọi hoạt động của chúng tôi trở nên chậm hẳn.

Tôi mắc kẹt ở Mỹ không thể trở về Việt Nam để trực tiếp điều hành hoạt động của VWS như những năm trước. Các hoạt động quản lý nhân sự, điều phối công việc đều phải chỉ đạo qua hình thức trực tuyến. Thời điểm giãn cách xã hội, nhân viên ở các vị trí linh động làm việc tại nhà. Vì thế, hầu hết kế hoạch, dự án của chúng tôi đều bị chậm nhịp. Việc thương thảo với đối tác, mở rộng mối quan hệ làm ăn hay các sự kiện kết nối doanh nghiệp mà chúng tôi dự định cũng không thuận lợi.

Khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, công ty vẫn thường xuyên phun khử trùng trong và ngoài trụ sở, đo thân nhiệt và bắt buộc nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Ưu tiên là không để Covid-19 xâm nhập vào công ty.

– Ngoài khó khăn chung, VWS còn gặp vấn đề nào khác nữa không thưa ông?

Có chứ, khối lượng công việc của VWS trong cao điểm dịch bệnh rất lớn. Thời điểm bình thường, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận và xử lý hơn 6.000 tấn rác. Trong khi đó, định mức mà VWS và thành phố đã ký kết trong hợp đồng chỉ 3.000 tấn. Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng rác thải sinh hoạt còn tăng cao hơn.

– Như vậy chắc chắn ông đã có những kế hoạch bứt phá cho năm 2021?

Năm 2021, tôi hy vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Trong năm 2020, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan ban ngành TP.HCM thực hiện nhiều chương trình phủ xanh môi trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã trình thành phố dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác mới bằng phương pháp đốt rác phát điện theo tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Kinh phí dự trù cho lần thay đổi công nghệ mới này hơn 400 triệu USD. Nếu thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón, vật liệu xây dựng, điện,… mang lại lợi ích cho xã hội. Chúng tôi mong thành phố sẽ sớm phê duyệt công nghệ mới theo tiêu chuẩn mới này. Vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, cũng như công ăn việc làm cho người lao động.

– Được biết ngoài công nghệ mới tại Đa Phước, ông cũng mang nhiều tâm tư với dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An?

Đúng vậy, Khu Công nghệ môi trường xanh là dự án thứ hai mà VWS đang thực hiện tại huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) và cũng là dự án tôi tâm huyết ngay từ lúc mới trở về Việt Nam. Dự án có tổng diện tích 1.760ha, sử dụng công nghệ đốt phát điện hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tiếp nhận và xử lý đa dạng tất cả các loại chất thải cho TP.HCM, Long An và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công suất mỗi ngày khoảng 44.000 tấn rác thải.

Hiện nay dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch và chờ ý kiến phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Dự án này rất quy mô về khoản đầu tư, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại của thế giới, nếu sớm được thực hiện sẽ giải quyết hoàn hảo bài toán xử lý chất thải bền vững.

Phối cảnh 3D – Công nghệ xử lý rác mới tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước

– Đối với một dự án tầm cỡ như vậy, việc ông một mình đứng ra gánh vác liệu có quá sức không, thưa ông?

Không, tôi không hề nghĩ sẽ làm một mình. Ngay từ đầu, tôi đã mong muốn có sự chung tay của nhiều người cùng tâm huyết để cùng thực hiện dự án này.

Hiện tôi đang là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA). Hiệp hội là cầu nối để tôi có thể kêu gọi những bà con Kiều bào cùng chung tay đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh. Dự án không chỉ mang tính hiệu quả trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường một cách bền vững mà cũng là nơi những người xa xứ như tôi có mối liên kết với quê hương. Vì bất cứ người con xa xứ nào cũng mong muốn hướng tới quê cha đất tổ của mình, và đất nước cũng cần nhiều đóng góp của bà con xa quê.

– Ngoài dự án này, với cương vị là chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ, ông còn chương trình nào để liên kết với bà con kiều bào cũng như người dân trong nước nữa không?

Năm nay do Covid-19 nên việc gặp gỡ cũng bị hạn chế, nhưng tôi và nhiều doanh nhân Việt kiều vẫn đang cố gắng kết nối, ủng hộ về tài chính, cùng thực hiện các dự án thiện nguyện hướng về quê hương và cả tại bản xứ.

Tại Mỹ, thời điểm chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid-19 cũng là lúc các trang biết bị y tế thiếu hụt trầm trọng, nhất là khẩu trang. Tại thời điểm khẩn cấp, CWS tặng 40.000 chiếc khẩu trang y tế N95 cho nước Mỹ. Ngoài ra, công ty còn đặt thêm 80.000 chiếc khẩu trang vải và 1,5 triệu khẩu trang y tế ở Việt Nam để mang về tặng cho người dân Mỹ.

Vào giữa tháng 4/2020, Califfornia Waste Solutions (CWS) đã ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ). Tiếp đó, tháng 11/2020, CWS đã trao tặng 120.000 USD cho Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco để hỗ trợ người dân miền Trung khi thấy bà con chịu nhiều mất mát, khó khăn do thiên tai. Ngoài ra, Hiệp hội Doanh Nhân Việt Mỹ (VABA) đã trao tặng 51.000 USD.

Tại Việt Nam, mặc dù tôi không thể về nhưng VWS cũng đã ủng hộ 200 triệu đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua.

– Ngoài việc nước thì việc nhà tại VWS ông sắp xếp như thế nào?

Năm nay dù kinh tế khó khăn nhưng ban lãnh đạo VWS vẫn cố gắng để duy trì đầy đủ nhân lực công ty. Trong thời gian “đỉnh điểm” của dịch bệnh, việc bảo vệ sức khoẻ mà vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập cho công, nhân viên là trọng trách mà ban lãnh đạo VWS ưu tiên hàng đầu. Với cương vị là Tổng Giám đốc VWS, tôi cam kết sẽ cố gắng để nhân viên có đủ lương, thưởng và đón một mùa tết ấm no, đoàn viên

– Vậy chắc ông sẽ về Việt Nam đón Tết cùng các thành viên VWS?

Tôi rất mong muốn về quê đón Tết, vì hương vị Tết tại Việt Nam rất đặc biệt mà ở Mỹ không thể có được. Nhất là trở về có thể gặp các anh chị em công nhân, nhân viên và các chuyên gia Mỹ sau một năm xa cách. Tôi đã hình dung ra ngày Tết âm lịch ở Mỹ năm nay, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, là chỉ ngồi nhà cắn hạt dưa xem TV đón giao thừa thôi. Trong khi đó bà con, bạn bè thân hữu, các công nhân viên VWS đang hân hoan đón Tết tại Việt Nam. Ở Mỹ, sau phút giao thừa lặng lẽ, mọi người thường phải đi ngủ để giữ sức khỏe, ngày mai đi làm như một ngày thường nhật khác.

Dù biết thế nhưng tôi không thể về được vì tình hình dịch bệnh hiện nay quá phức tạp, cố gắng ở yên tại chỗ là giúp mọi người cùng an toàn.

Nhật Linh

Share
Translate »