Vừa qua, ông David Dương đã trao tặng 100.000 USD ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 của kiều bào tại các bang miền Tây nước Mỹ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ tổ chức
Vào những ngày tháng 5-2020, nước Mỹ đang rơi vào cao điểm của mùa dịch Covid-19, mọi hoạt động xã hội, kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề khi số ca nhiễm, số người chết ở nước này tăng nhanh mỗi ngày, là một trong những công ty thu gom và xử lý chất thải ở California (Mỹ), ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Bắc California và Vietnam Waste Solutions (VWS) có trụ sở tại TP HCM, đã có cuộc trò chuyện được kết nối trực tuyến với chúng tôi để chia sẻ tình hình dịch bệnh và cách phòng chống của CWS cũng như VWS.
Phóng viên: Thưa ông, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp của nước này, trong đó có công ty của ông?
– Ông David Dương: CWS có trụ sở ở California. Quả thật, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhân sự đang làm việc tại văn phòng của CWS hiện chỉ còn 7 người; một số nhân viên được bố trí làm việc tại nhà. Chúng tôi cật lực làm việc trong những ngày này để việc điều hành thông suốt, công việc thu gom và xử lý rác không bị gián đoạn.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Mỗi lần khách hàng bên ngoài vào công ty chỉ được cho phép 1 người, mỗi người ngồi ở một góc phòng làm việc để giữ khoảng cách và luôn đeo khẩu trang. Có khi chúng tôi cũng hạn chế tiếp khách tại công ty mà chỉ liên lạc qua điện thoại.
ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS
Cụ thể hơn, việc phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp ở hai quốc gia được ông triển khai như thế nào? Đâu là khó khăn?
– Ở Việt Nam, chúng tôi nghiêm túc thực hiện các chỉ thị phòng chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TP, Sở Y tế TP HCM về phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi ý thức trước hết là để bảo vệ an toàn cho người lao động nên yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi làm việc, rửa tay sát khuẩn thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, tăng cường các thiết bị, trang bị thêm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho toàn bộ nhân viên. Tất cả nhân viên đều được đo nhiệt độ kiểm tra thân nhiệt khi vào công ty làm việc. Công việc này được duy trì nhiều tháng qua. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến cáo đến mọi nhân viên, khi nào đi làm mà cảm thấy không được khỏe, nóng sốt, chóng mặt thì ở nhà và kiểm tra y tế tại địa phương. Những người làm việc trực tiếp tại các khâu xử lý bắt buộc đeo găng tay bảo hộ và thường xuyên rửa tay sát khuẩn…
Riêng ở Mỹ, chúng tôi có gặp đôi chút khó khăn, không thể ép nhân viên đeo khẩu trang được, vì đó là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn để khẩu trang, nước rửa tay tại nơi làm việc và khuyến khích họ đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng. Chỉ khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm thì chúng tôi vận động mạnh hơn và bắt buộc mọi người đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm ngặt việc phòng bệnh, yêu cầu tránh tiếp xúc gần.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng, nhất là xu hướng mua hàng qua mạng gia tăng. Điều này có khiến cho lượng rác thải tăng cao do sử dụng túi ni-lông nhiều hơn, tạo thêm áp lực cho việc xử lý rác?
– Theo tôi nhận thấy thì lượng rác thải tại TP HCM được Sở Tài nguyên – Môi trường phân bổ cho nhiều đơn vị xử lý nên lượng rác thải chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do chúng tôi đầu tư vẫn diễn ra bình thường.
Còn tại Mỹ, do tình hình dịch bệnh, mọi người ở nhà nhiều, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, vật dụng gia đình. Từ đó, giường tủ, bàn ghế cũ, hư hỏng… thải ra nhiều hơn. Việc mua hàng qua mạng cũng làm phát sinh thêm một khối lượng bao bì thải ra… Những lý do này làm cho khối lượng rác sinh hoạt tăng trong thời điểm dịch bệnh nhiều hơn những lúc bình thường khoảng 20%. Đặc biệt là những thùng rác tái chế bị người dân vứt bỏ rác lộn xộn, gây khó khăn cho chúng tôi khi phân loại rác.
Phối cảnh dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An
Một trong những yếu tố góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, đó là sự chung tay đóng góp, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về việc này?
– Đúng là như vậy. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự chung tay góp sức, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp là rất cần thiết. Do đó, khi Ủy ban MTTQ TP HCM có lời kêu gọi nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi hưởng ứng ngay.
Theo lời kêu gọi, chúng tôi nhận thấy một phần trách nhiệm của doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, chia sẻ với người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra nên đã ủng hộ 200 triệu đồng thông qua Ủy ban MTTQ TP HCM. Số tiền tuy không nhiều nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi cùng chung tay với bà con tại quê nhà để vượt qua cơn đại dịch này. Tôi cũng mong rằng dịch bệnh qua đi để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, CWS cũng hỗ trợ 100.000 USD để ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của kiều bào hảo tâm tại các bang miền Tây nước Mỹ.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, những dự án ông đang triển khai tại Việt Nam có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
– Tại Việt Nam, ngoài việc đang thực hiện dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, tại huyện Bình Chánh, TP HCM, chúng tôi cũng đang triển khai Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An. Đây là dự án có quy mô lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay. Chúng tôi cũng đã làm xong hạ tầng, cầu, đường giao thông và rất sốt ruột chờ một số hạng mục đang chờ được phê duyệt để triển khai dự án.
Bên cạnh dự án chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang công nghệ đốt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, chúng tôi cũng đang chờ các ban, ngành đánh giá và chờ lãnh đạo TP HCM phê duyệt. Chúng tôi cam kết khi dự án được duyệt chúng tôi sẽ triển khai trong vòng 24 tháng.
Không chỉ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà trong quá trình triển khai dự án tại TP HCM, chúng tôi cũng gặp vô vàn khó khăn. Theo như hợp đồng đã ký với TP từ năm 2005, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sẽ được TP đầu tư vành đai xanh cách ly. Tuy nhiên trong suốt gần 15 năm qua, việc trồng cây xanh cách ly vẫn chưa được triển khai và đến nay, người dân sống quanh Khu Liên hợp vẫn chưa được di dời… Do đó, công việc của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải đầu tư nhiều hơn dự kiến ban đầu, trong đó có việc phải tăng cường phương pháp phun xịt khử mùi bằng những nguyên liệu thân thiện môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân sống trong khu vành đai xanh cách ly và xử lý an toàn khối lượng rác hơn 5.000 tấn/ngày cho TP HCM.
Hiện nay, VWS đang phối hợp với các tư vấn trong và ngoài nước, các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu của Mỹ và châu Âu để lập Báo cáo chuyển đổi công nghệ sử dụng phương pháp đốt 100% với tổng công suất thiết kế lò đốt tối thiểu 3.000 tấn/ngày. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi công nghệ mới, biến rác thải thành điện năng, sản xuất phân bón Compost, khí CNG, giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa…
Trong suốt những năm qua, tại TP HCM và các tỉnh thành vẫn còn tồn tại nhiều bãi chôn lấp rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Do vậy, chúng tôi cũng đang mong mỏi dự án chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang công nghệ đốt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sớm được phê duyệt để tập trung đầu tư có chiều sâu, hiệu quả.
Trồng 600 cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới
Lễ trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới đã được UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM tổ chức vào sáng 5-6. Ngay sau buổi lễ, các lực lượng đoàn thể xã Đa Phước, gồm Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng người dân đã tiến hành trồng 600 cây dầu, cây sưa trên một số tuyến đường. Toàn bộ kinh phí đầu tư trồng cây xanh do chủ đầu tư Khu Liêp hợp xử lý chất thải Đa Phước tài trợ.
Chia sẻ về hoạt động trồng cây ngày môi trường, ông David Dương cho biết không chỉ nỗ lực làm tốt nhất các hoạt động xử lý rác cho TP HCM, VWS còn tích cực chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường. Việc tài trợ kinh phí trồng 600 cây dầu, cây sưa lần này là hành động đầu tiên hưởng hứng Ngày Môi trường thế giới trong năm 2020 của VWS.
Ông David Dương cũng kêu gọi người dân, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường: “Hãy bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Chẳng hạn như hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni-lông, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; phân loại rác, trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước, sử dụng các sản phẩm tái chế…”.
HỒNG THÚY thực hiện